Nóng tuần qua: Khách mất 26,5 tỷ đồng tại VCB và TCB: TCB không có lỗi, không phải bồi thường

07/07/2024 16:30

Ngày 2/7, TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên án phúc thẩm vụ kiện giữa khách hàng Trần Thị Chúc (50 tuổi, trú TP Từ Sơn) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Vụ khách mất 26,5 tỷ tại VCB và TCB: TCB không có lỗi, khách bật khóc

Toà phúc thẩm đánh giá, theo đơn tố cáo của bà Chúc về hai đối tượng lừa đảo có thể thấy lỗi của bà Chúc khi cài đặt các phần mềm độc hại mà họ yêu cầu, "gián tiếp cung cấp" cho chúng tên đăng nhập, mật khẩu, OTP để giao dịch Techcombank Mobile. Việc bị kẻ gian lấy hết tiền "hoàn toàn do lỗi của bà".

Ngân hàng Techcombank.

Ngân hàng Techcombank.

Tòa tuyên bác kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của Techcombank và kháng nghị của Viện Kiểm sát. Ngân hàng Techcombank không phải bồi thường bất cứ số tiền nào trong 14,6 tỷ đồng khách bị mất, do được tòa xác định "không có lỗi".

Trước đó, ngày 22/4/2022, bà Trần Thị Chúc nhận được cuộc điện thoại của 1 người giới thiệu là cán bộ điều tra Công an TP Đà Nẵng thông báo kết quả điều tra vụ án hình sự và gửi cho bà xem lệnh bắt giữ người khẩn cấp đối với bà là người có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy.

Người này cũng chỉ định cho bà Chúc mở 1 tài khoản tại Vietcombank và 1 tài khoản tại Techcombank sau đó chuyển số tiền 40 tỷ đồng chia đều vào 2 tài khoản ngân hàng mới mở này để chứng minh không liên quan đến đường tội phạm, đồng thời dặn bà Chúc đến ngày 25/4 sẽ được mở phong tỏa và ra ngân hàng rút tiền về.

Trong hai ngày 22 và 23/4/2022, bà Chúc đã đến Vietcombank Chi nhánh Kinh Bắc và Techcombank Chi nhánh Từ Sơn để mở hai tài khoản mới, ngoài ra vay mượn bạn bè, khách hàng, huy động tiền từ người thân chuyển số tiền 11,9 tỷ đồng vào Vietcombank và 14,6 tỷ vào Techcombank.

Tuy nhiên, sáng 25/4/2022, khi bà Chúc đến Vietcombank Chi nhánh Kinh Bắc và Techcombank Chi nhánh Từ Sơn để làm thủ tục rút tiền thì được nhân viên của hai nhà băng này thông báo tài khoản của bà không còn tiền, trong khi bà Chúc không hề thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền trực tiếp hay gián tiếp nào.

Theo sao kê phía ngân hàng cung cấp, đã có người chuyển 39 bút toán với tổng số tiền 14,66 tỷ đồng tại Techcombank và 11,9 tỷ đồng tại Vietcombank từ tài khoản của bà Chúc đi các tài khoản khác.

Từ 1-1-2025, không cung cấp dữ liệu sinh trắc học có thể bị ngừng mọi giao dịch điện tử

Một chùm thông tư đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành đồng bộ với lộ trình triển khai Quyết định 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Điểm mới của Thông tư 17 và Thông tư 18 là từ ngày 1/1/2025, nếu khách hàng không cung cấp dữ liệu sinh trắc học, hoặc dữ liệu qua đối chiếu không khớp, thì tài khoản hiện có của khách hàng đó sẽ bị dừng toàn bộ các giao dịch trên phương tiện điện tử.

Giải thích thêm, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết điều kiện để được cung ứng dịch vụ trên môi trường internet là thông tin phải được xác thực sinh trắc học với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà Bộ Công an đang là đầu mối quản lý, vận hành.

Đây là giải pháp để Ngân hàng Nhà nước thực hiện kế hoạch 2025 của mình là quản lý thống nhất trên toàn quốc hệ thống tài khoản, thẻ, ví, đơn vị chấp nhận thanh toán... để rồi có thể đánh giá tổng thể về từng tài khoản. Trên cơ sở đó hỗ trợ các tổ chức tín dụng làm sạch dữ liệu, ngăn chặn các giao dịch có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo.

Đua nhau tham gia sân chơi nóng, số lượng tài khoản chứng khoán cao chưa từng có

Mới đây, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đã công bố số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quý II/2024. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam đã cán mốc 8,04 triệu đơn vị.

Trong đó, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt xấp xỉ 8 triệu đơn vị, tăng thêm 106.580 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 5.

Số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân cán mốc kỉ lục

Số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân cán mốc kỉ lục

Với 106.417 tài khoản mở mới trong tháng 6, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã đạt 7,98 triệu đơn vị, tương đương 8% dân số. Lũy kế 6 tháng đầu năm, số lượng tài khoản của cá nhân trong nước đã tăng 750.547 đơn vị, cao hơn 82% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Như vậy, lượng tài khoản chứng khoán tính đến hiện tại còn cách mục tiêu ngắn hạn khoảng 1 triệu tài khoản.

Giới đầu tư tiền ảo Pi giận dữ, kêu gọi xóa app

Sáng 3/7, nhiều tài khoản trong các hội nhóm đầu tư tiền ảo Pi trên mạng xã hội như "Thế Giới Pi Network" 234.000 thành viên, "PI NETWORK VIET NAM" 89.000 thành viên, "Pi Network vn" 47.800 thành viên... đồng loạt đăng bài kêu gọi xóa ứng dụng, nghỉ chơi sau khi đội ngũ Pi Network tiếp tục hứa hẹn, chưa biết khi nào loại tiền này mới được giao dịch chính thức.

Cộng đồng người chơi Pi phản ứng và cho rằng Pi Network đang cố tình trì hoãn và sẽ không thể xác định thời gian triển khai Mainnet mở, thậm chí là không thực hiện khi một số điều kiện chung chung và rất mơ hồ.

Cho đến nay, Pi Network có hơn 60 triệu người tham gia trên toàn cầu và hơn 12 triệu tài khoản đã KYC (tăng từ 9,45 triệu vào tháng 3).

Theo chuyên gia tài chính, tiền mã hóa hay tiền số như Pi đến nay vẫn chưa phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào loại tiền trên và sản phẩm tương tự vì không được pháp luật bảo hộ.

Liên quan đến Pi, tại cuộc họp báo hồi tháng 6-2023, Thiếu tướng Lê Xuân Minh Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), cho biết đã phối hợp với công an các địa phương để điều tra hoạt động kêu gọi đầu tư vào loại tiền số này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nóng tuần qua: Khách mất 26,5 tỷ đồng tại VCB và TCB: TCB không có lỗi, không phải bồi thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO