"Nghe các bạn diễn viên trẻ bây giờ thoại giọng cứ bị đớt đớt, càng về âm cuối là bị mờ, rất khó nghe. Vì hơi không sâu nên lực yếu, âm không sắc nét, khiến cho vai diễn bị giảm hiệu quả đi rất nhiều", NSND Hương Dung nhận xét về đài từ trong phim truyền hình hiện nay.
Nhắc đến NSND Hương Dung, đến giờ khán giả vẫn ấn tượng với vai vợ thứ trưởng Cao Đức Cẩm trong phim truyền hình dài tập "Chạy án". Bộ phim cũng đồng thời đưa diễn viên Việt Anh lên hàng ngôi sao của VTV.
Trong phim, vai bà Dung – phu nhân thứ trưởng của NSND Hương Dung có vẻ đẹp sang trọng, quý phái, thông minh, sắc sảo nhưng vì lòng tham, bà Dung đã lợi dụng "cái bóng" của chồng để tư lợi. Không những thế, bà còn có mối quan hệ ngoài luồng với cấp dưới của chồng, gián tiếp làm cho cậu con trai quý tử sa vào con đường ăn chơi rồi dẫn đến tù tội.
Thành công ở vai phản diện, nhân vật do Hương Dung thủ vai đã để lại nhiều bài học sâu sắc về hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái… Nhiều năm sau này, nhắc đến Hương Dung, khán giả vẫn còn ấn tượng với vai diễn đã góp phần làm nên thành công của bộ phim Chạy án. Sau bộ phim này, NSND Hương Dung còn gây ấn tượng ở các phim: Của để dành, Chủ tịch tỉnh, Cầu vồng tình yêu, Người phán xử…
Ở lĩnh vực điện ảnh, những năm 90 Hương Dung tham gia bộ phim Săn bắt cướp cùng nhiều diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ như: Thương Tín, Lê Khanh, Trọng Trinh... Trong phim, chị đóng vai Hai Loan - người tình của tướng cướp Bạch Hải Đường (Thương Tín).
NSND Hương Dung thời trẻ trong phim Săn bắp cướp.
Bên cạnh sự nghiệp diễn viên sân khấu, truyền hình, điện ảnh, NSND Hương Dung còn có dấu ấn khác biệt so với đồng nghiệp ở vai trò lồng tiếng. Thời phim truyền hình chưa thu tiếng đồng bộ, hầu như mở ti vi ra là gặp… giọng Hương Dung. Nhưng người ta nhớ đến Hương Dung trong vai trò lồng tiếng không phải vì chị "phủ sóng", mà bởi chất giọng dày, sáng, nội lực và rất đặc trưng. Nghe là nhận ra ngay Hương Dung.
Trong nghệ thuật người ta thường nói "nhất thanh nhì sắc". Không ít nghệ sĩ nổi tiếng được thanh thì mất sắc, hoặc được sắc thì mất thanh. Từng có một nữ nghệ rất rất xinh đẹp, nổi tiếng tâm sự rằng khi phim truyền hình thu tiếng đồng bộ, điều chị sợ nhất chính là thoại bằng giọng thật. Và để bắt kịp với yêu cầu mới, chị đã phải luyện nói để chất giọng của mình có cảm xúc hơn, thay vì cứ đều đều, ngang ngang như trước.
NSND Hương Dung có thể nói là thuộc số hiếm khi hội đủ cả thanh và sắc. Những năm 80-90 chị được xếp vào top người đẹp màn ảnh. Những vai chính của sân khấu thời đó liên tục gọi tên nghệ sĩ Hương Dung. Nhớ lại thời kỳ ấy, nữ nghệ sĩ gạo cội kể một kỷ niệm: "Năm 1991 NSND Xuân Huyền dựng vở kịch ngắn để dự thi Liên hoan sân khấu nhỏ ở Quảng Ninh. Thầy bảo, tôi rất bất ngờ vì Đoàn kịch Công an lại có diễn viên như Hương Dung, đưa ra yêu cầu 5 thì thực hiện hơn cả 10. Đặc biệt là giọng nói, nhấn nhả câu rất chắc, sắc nét. Các diễn viên nếu không nỗ lực thì chị Dung sẽ vơ hết các vai diễn.
Năm 1985 Đoàn kịch Công an tham dự Liên hoan sân khấu toàn quốc ở Sài Gòn với vở diễn Nữ ký giả. Theo kế hoạch thì NSND Đình Nghi sẽ đưa đoàn đi nhưng vì có chuyến đi Nga nên thầy không đi được. Trước khi đi, thầy gọi riêng tôi và nhắc 3 điều: "Giọng đã đẹp rồi không cần biểu diễn giọng nói; thứ 2 miệng rất xinh rồi thì không cần điệu nữa (nên từ đó mình rất chú ý để miệng không điệu nữa); thứ 3 cái này sửa được thì tốt, không sửa được cũng không sao, đó là lưng hơi gù, mặc áo dài không đẹp lắm". Từ lời nhắc nhở này mà từ đó chị luôn chú ý tư thế ngồi, vai hơi bẻ ra để giữ cho lưng thẳng. Chị bảo, ngoài chất giọng đẹp bản năng, lứa diễn viên thời của chị còn được các thầy nắn chỉnh về đài từ nên diễn vai nào là khán giả ấn tượng vai đó.
Với chất giọng hiếm nên NSND Hương Dung khá đắt show lồng tiếng. Không chỉ giọng Bắc, Hương Dung còn nói được giọng vùng miền như người bản địa.
Chị kể về mối duyên với lồng tiếng: "Năm 1989 có phim tài liệu về thanh niên xung phong nhưng đạo diễn muốn giọng Nghệ An hơi pha tí, chứ đặc vùng miền quá thì khán giả đại chúng sẽ khó nghe. Chị Kim Tiến lúc đó từ chối, tìm được cô phát thanh viên thì giọng vẫn lơ lớ Hà Nội, mấy cô sinh viên Nghệ An thì nói không nghe được. Đạo diễn Vi Hòa – bố của nhà thơ Vi Thùy Linh gợi ý mời Hương Dung nhưng tôi từ chối, bảo: 'Em không đọc được đâu, em chỉ tếu táo bên ngoài cho vui thế thôi'.
Giai đoạn phim truyền hình chưa thu tiếng đồng bộ như bây giờ, các con của NSND Hương Dung được mẹ đào tạo trở thành diễn viên lồng tiếng. Bản thân chị cũng có mặt ở rất nhiều phim trong vai trò lồng tiếng hoặc phụ trách phần tiếng cho đoàn phim.
Nhưng khi thử thì đạo diễn ưng luôn. Rồi giọng miền Nam, câu chuyện truyền thanh, chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến phim "Điện Biên phủ trên không" của đạo diễn Bùi Đình Hạc (vai cô nhà báo nói tiếng nước ngoài), phim "Cô gái đến từ Băng Cốc" trong series Cảnh sát hình sự… chị đều "cân đẹp". "Có khán giả người Huế gặp tôi ngoài đời bảo, con lồng tiếng giống chi mà giống rứa. Bác coi phim chưa thấy ai lồng giọng Huế mà bác ưng như con", NSND Hương Dung kể kỷ niệm của khán giả bằng giọng Huế.
Chị cũng kể một kỷ niệm khi lồng tiếng cho vai Đặng Thị Huệ (Lê Vân đóng) trong Đêm hội Long Trì. Đạo diễn, NSND Hải Ninh sau một số lần tìm người lồng tiếng không ưng ý, đã phải thốt lên "giọng Hương Dung là chất giọng bác học, là chất giọng số 1 của phim miền Bắc".
Chính vì vậy mà thời đó, lịch lồng tiếng của nghệ sĩ Hương Dung kín đến mức không có thời gian để ăn. Chị vừa là giọng lồng tiếng chủ đạo, vừa kiêm luôn vai trò "bà bầu", đạo diễn âm thanh cho các phim truyền hình, hoạt hình cho đến phim nước ngoài… Ngoài chịu trách nhiệm chính, chị còn đào tạo diễn viên lồng tiếng để đáp ứng nhu cầu của khán giả, nhất là ở thời điểm phim nước ngoài chuộng lồng tiếng chứ không phải thuyết minh như bây giờ. Như phim Osin, con gái đầu của chị 12 tuổi, Hà Duy khi đó mới 5 tuổi cũng được mẹ đào tạo trở thành diễn viên lồng tiếng cho vai con của Osin.
Nói về chất giọng đặc biệt của mình, NSND Hương Dung cho biết: "Giọng của tôi là lấy hơi từ bụng nên âm vực dày, sâu và ấm. Còn phần lớn giọng mọi người là lấy hơi từ cổ nên bị mỏng, không có nội lực từ bên trong. Người lồng tiếng có giọng tốt là khi nói hơi không phà ra nên họ sẽ nói được câu rất dài mà vẫn chắc, rõ ràng.
Đây là kỹ năng và kỹ thuật được học, rèn luyện mới có được. Nghe các bạn diễn viên trẻ bây giờ thoại giọng cứ bị đớt đớt, càng về âm cuối là bị mờ, rất khó nghe. Vì hơi không sâu nên lực yếu, âm không sắc nét. Khi xem phim, khán giả nhận xét diễn viên này diễn chưa đạt không hẳn do diễn xuất đâu, mà nguyên nhân là do thoại kém. Một vai diễn thành công còn nhờ vào cách nhả chữ, nhấn nhá giọng để thể hiện cảm xúc, hoàn cảnh lúc đó nữa. Thiếu cái này thì vai diễn bị giảm đi rất nhiều. Tôi đi dạy về đài từ, nắn chỉnh cho các diễn viên trẻ nhiều lắm".
NSND Hương Dung cũng tâm sự, đôi lúc chị rất muốn được trở lại với nghề vì xem cách diễn của các bạn trẻ, chị thấy tiếc cho họ khi không có đài từ hay hoặc không được đào tạo về đài từ.
Chị bảo, ngày xưa tuyển diễn viên sân khấu là tuyển cả giọng nói, hình thức chứ không chỉ có năng khiếu. Giờ diễn viên được thanh thì mất sắc, được sắc thì mất thanh. Kể cả trong trường sân khấu cũng không chú trọng đài từ. Đạo diễn, khán giả bây giờ cũng chỉ quan tâm không có diễn viên trẻ, không có gương mặt mới mà quên mất là phải có chất giọng đẹp. Nhiều bạn là tay ngang không qua trường lớp đào tạo chính quy, casting được là thành diễn viên ngay nên đài từ họ sử dụng là giọng bản năng chứ không phải là nghệ thuật đài từ được rèn luyện. Giá như đào tạo 1 tháng thôi là phát âm của các bạn sẽ khác rất nhiều.
Theo NSND Hương Dung, khi casting, đầu tiên phải chú ý đến giọng. Mặt chưa xinh nhưng trang điểm lên, dùng kỹ xảo là cải thiện được chứ tiếng không tốt thì không cách nào làm cho hay lên được. Khi đài từ tốt thì mặt không cần diễn nhiều nữa. Nhưng cách làm phim bây giờ quá nhanh, 2-3 ngày/tập nên người ta không có thời gian để chau chuốt hoặc yêu cầu diễn viên phải học một khóa tập huấn cơ bản để đáp ứng yêu cầu của vai diễn. "Sau này bớt bận rộn, có lẽ tôi sẽ mở một lớp dạy về đài từ để truyền đạt kinh nghiệm mà tôi đúc rút trong mấy chục năm qua cho các bạn trẻ", NSND Hương Dung nói.