Đối với Việt Nam, bà Ngọc kiến nghị nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.
Sáng ngày 4/10, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC đã kiến nghị việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định nhằm kích cầu tiêu dùng.
Theo đại diện Tập đoàn TTC, từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời và đúng đắn khi giảm thuế giá trị gia tăng, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất cho vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cần có những chính sách "kích cầu tiêu dùng".
Bà Ngọc dẫn chứng một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng, hoặc Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự.
Đối với Việt Nam, bà Ngọc kiến nghị nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm - voucher đến người dân, sử dụng trong thời hạn nhất định.
Theo bà Ngọc, những voucher này tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistic và các dịch vụ đi kèm được phát triển… Đồng thời, phiếu voucher cũng là một cách để giảm thuế thu nhập cá nhân.
Kích cầu tiêu dùng nội địa được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Theo dự thảo Đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước” do Bộ Công thương làm đầu mối soạn thảo, để kích thích cầu tiêu dùng, từng bước phục hồi thị trường trong nước trong thời gian đến cuối năm 2024 và các năm tiếp theo, cần triển khai hiệu quả 2 nhóm giải pháp cơ bản.
Trong đó, giải pháp trước mắt, cấp bách là nghiên cứu, đề xuất các chương trình phát voucher mua hàng; giảm giá để xả hàng tồn kho; chương trình bán hàng bình ổn giá; chương trình hàng Tết... Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất các chương trình tín dụng, cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp, ưu đãi.
Về dài hạn, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về phát triển thương mại trong nước (các chính sách tập trung vào giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân).
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bán lẻ, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics, vận chuyển và bảo quản, dịch vụ thanh toán. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam; đa dạng hóa các chủ thể kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường bán lẻ. Tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng…
Cũng tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce - Thành viên Tập đoàn Masan cho rằng Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển ngành bán lẻ.
Theo đó, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt 180 tỷ USD.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức, áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới với ưu thế về giá thành rẻ, chuyển phát nhanh, hệ thống kho bãi, logistic... Tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước trong khu vực.