Bỏ nghề xây dựng, ông Lệ về quê nuôi con vật "khó tính", trời nóng ngủ quạt mát, trời lạnh nằm đèn sưởi. Nhờ đó mà mỗi năm ông Lệ kiếm về tiền tỷ.
Bỏ nghề xây dựng về quê nuôi dúi
Mô hình trang trại nuôi dúi hiệu quả này là của gia đình ông Lê Trọng Lệ (58 tuổi, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Trước khi đến với nghề nuôi dúi, ông Lệ có nhiều năm làm nghề xây dựng, chuyên thi công đập thủy điện. Tuy nghề xây dựng đem lại kinh tế cao nhưng đặc thù công việc phải đi công tác xa nhà, năm 2007, ông Lệ quyết định về quê làm việc khi đã bước sang tuổi 50.
Sau khi về quê, vốn yêu thích việc chăn nuôi nên ông Lệ nảy ra ý tưởng sẽ làm kinh tế trang trại. Sau thời gian nghiên cứu, ông quyết định chọn con dúi để đầu tư.
"Tôi đi khắp nơi để tìm con vật gì nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Lúc bấy giờ con dúi là sản phẩm rất đắt đỏ lại phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở quê nên tôi quyết định nuôi con vật này. Khi đó nghe nói giống dúi ở Lào nuôi nhiều nên tôi đi sang đó để tìm hiểu và mua 100 con dúi giống về thử nghiệm", ông Lệ chia sẻ.
Thời điểm đầu, ông Lệ xây dựng chuồng trại với quy mô hơn 100m2 ở mảnh vườn cạnh nhà để nuôi dúi. Vụ nuôi đầu tiên ông đã thành công ngoài mong đợi, những con dúi nuôi tại trang trại sinh trưởng, phát triển tốt. Ông nhân giống đàn dúi lên hàng trăm con.
Tưởng chừng thành công bước đầu đó sẽ đánh dấu một tín hiệu mừng đối với lão nông. Nhưng đến năm 2010, hàng trăm con dúi trong trang trại đổ bệnh, chết la liệt khiến ông Lệ thua lỗ hơn 300 triệu đồng.
"Do chuồng trại không đảm bảo các yếu tố nhiệt độ, số dúi nuôi đang khỏe mạnh lăn đùng ra chết chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là vụ thất bại lớn đối với tôi", ông Lệ nói.
Dúi chết rải rác gần hết, bà Lê Thị Sâm (vợ ông Lệ) lo lắng, can ngăn. Thế nhưng, xem lần thất bại như "lộ phí kinh nghiệm", ông Lệ khăn gói trở lại nước Lào để học tập kinh nghiệm. Sau thời gian học hỏi, nắm rõ các kiến thức, kỹ thuật, ông về quê cải tạo lại hệ thống chuồng trại, làm lại từ đầu.
Đến nay, mô hình nuôi dúi của ông Lệ đã thành công, hiện ông đang có 4 cơ sở nuôi dúi ở các tỉnh Thanh Hóa, TPHCM, Đắk Lắk, Thái Nguyên, mỗi năm đem về thu nhập bạc tỷ.
Con ăn ít nhưng "đẻ" tiền tỷ mỗi năm
Trong số 4 trại nuôi dúi, ông Lệ giao cho 3 người con trai quản lý 3 trại, còn vợ chồng ông sở hữu một trang trại rộng gần 500m2 ở quê nhà Thanh Hóa. Hiện, quy mô trang trại này khoảng 2.000 con cả dúi giống và dúi thịt, đem về thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
"Trang trại của gia đình tôi phân phối đi khắp cả nước. Hiện tôi đang cung cấp dúi giống và dúi thịt, giá bán dúi thịt dao động từ 800.000 đến 1 triệu đồng/kg, còn giá dúi giống bán theo độ tuổi, thông thường dúi 3 tháng tuổi sẽ xuất bán (dúi 3 tháng có giá 3 triệu đồng/cặp, 6 tháng có giá 6 triệu đồng/cặp…). Mỗi năm trừ hết chi phí, vợ chồng tôi kiếm về hơn 1 tỷ đồng", ông chủ trang trại chia sẻ.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dúi, ông Lệ cho biết dúi là con vật "khó tính", yếu tố quan trọng nhất để dúi sinh trưởng tốt là chuồng trại và nhiệt độ.
"Chuồng nuôi dúi không quá tốn kém nhưng phải đảm bảo các yếu tố thông thoáng, mỗi chuồng được xây bằng gạch men. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo nhiệt độ trong chuồng, thông thường dúi sống ở nhiệt độ 27-30 độ C. Để điều hòa nhiệt độ, mùa hè tôi lắp quạt gió, mùa đông tôi lắp hệ thống đèn sưởi", ông Lệ cho hay.
Theo ông Lệ, dúi là loại động vật ăn ít, thức ăn chủ yếu là mía, ngô, thân cây tre. Đây là những loại thức ăn dễ tìm và sẵn có. Mỗi ngày dúi ăn hai lần sáng và chiều, mỗi lần một khúc mía hoặc tre, không cho ăn quá no, cũng không để quá đói. Đặc biệt, dúi là con vật không uống nước, mỗi năm sinh sản 2 lần, mỗi lần 4-5 con. Loại dúi của gia đình ông nuôi là dúi má hồng Thái Lan, một con dúi trưởng thành có trọng lượng 4-5kg.
"Chính vì ăn ít nên khi nuôi dúi cũng rất nhàn. Mỗi ngày chỉ cho ăn một lần. Tuy nhiên, quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ trong chuồng, nếu không để ý nhiệt độ thì chỉ trong vòng 1-2 giờ đồng hồ, đàn dúi sẽ trở bệnh", ông Lệ bật mí.
Ông Lê Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn đánh giá mô hình nuôi dúi của gia đình ông Lệ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mới lạ ở địa phương.
"Không chỉ hiệu quả kinh tế cao, ông Lệ còn liên kết nuôi dúi quy mô lớn. Dúi là con vật khá mới lạ đối với bà con ở địa phương. Đây cũng là con vật đòi hỏi kỹ thuật cao, cũng có một số hộ nuôi nhưng nhỏ lẻ. Mô hình của ông Lệ là mô hình quy mô trang trại lớn nhất xã, thuộc danh sách một trong số những hộ dân làm kinh tế giỏi ở địa phương", ông Tiến cho biết thêm.