Hàng nghìn con rắn ri voi và ri cá quấn nhau trong các bể xi măng ở trang trại của thanh niên miền Tây, giúp anh này thu về gần nửa tỷ đồng/năm.
Xuất thân trong gia đình nông dân, ngay từ nhỏ anh Nguyễn Văn Nhựt Khanh (33 tuổi, ở thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) quen với loài động vật hoang dã như rắn, rùa, ếch… Học xong THPT, Khanh tham gia nghĩa vụ quân sự và xuất ngũ năm 2011.
Lúc này, Khanh được người dượng cho hơn chục con rắn ri voi giống để nuôi và chúng lớn nhanh, sinh sản.
Chàng trai Tiền Giang tìm hiểu và nhận thấy rắn ri voi, rắn ri cá là đặc sản, giá thị trường luôn cao trong khi loài bò sát này tồn tại ở môi trường tự nhiên không còn nhiều. Từ đó, anh nghĩ đến việc xây bể xi măng, mua thêm con giống về nuôi.
“Khi đó, tôi bỏ ra 70 triệu đồng để mua con giống và xây bể xi măng nuôi rắn. Đến nay, tôi sở hữu hơn 1.000 con rắn bố mẹ, trong đó hơn 900 rắn ri voi và 300 ri cá", anh Khanh nói và cho biết, nhiều con rắn nái nặng hơn 5kg.
Rắn ri voi và rắn ri cá giống nhau là loài không độc, dễ nuôi, lớn nhanh và chất lượng thịt ngon, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt, giá thành lại cao nên được nhiều người nuôi. Tuy nhiên, rắn ri cá thích ăn các loại cá có vảy; còn ri voi chỉ thích ăn cá da trơn như cá trê. Ngoài ra, màu sắc của rắn ri voi cũng đẹp mắt hơn ri cá.
Hiện, mỗi năm đàn rắn ri voi của anh Khanh sinh sản khoảng 4.000 rắn con; ri cá đẻ khoảng 3.000 con giống. Trại nuôi rắn của anh Khanh hiện có hơn 20 bể nuôi, bên trong bể có để gốc tre và dây nilon, ống nhựa để rắn trú ẩn…
Theo anh Khanh, rắn ri voi và ri cá là loài dễ nuôi, ít công chăm sóc; 5-7 ngày mới cho rắn ăn một lần. Sau khi cho rắn ăn xong thì thay nước.
“Nuôi rắn ri voi và ri cá cần chú ý nhất là chọn lựa con giống tốt như mình tròn, da bóng đẹp. Đặc điểm của loài rắn này là dễ bị nấm da và bệnh đường ruột, vì vậy nguồn nước phải được xử lý kỹ trước khi bơm vào bể nuôi.
Rắn nuôi tầm 24 tháng, đạt trọng lượng khoảng 1,5kg là bắt đầu sinh sản, từ 5-10 con. Những năm về sau, rắn sẽ đẻ nhiều hơn, mỗi lứa rắn mẹ có thể đẻ từ 25-30 con. Mùa sinh sản của rắn ri cá từ tháng 5-6 và ri voi từ tháng 3-4 âm lịch”, anh Khanh nói.
Anh tiết lộ, khi ươm rắn ri voi con thì xây bể cao tầm 5 tấc, dài 1-2m; còn nuôi rắn bố mẹ xây bể bề ngang, dài khoảng 2m; cao hơn 1m. Mật độ thả khoảng 50 con/m2.
Mỗi năm anh Khanh xuất bán ra thị trường khoảng 7.000 con rắn giống (ri voi và ri cá) với giá từ 800.000-1,2 triệu đồng/kg.
Còn rắn thịt khoảng 2 năm thì anh Khanh mới xuất bán, mỗi con lúc bán từ 1,5kg trở lên, giá 550-750 nghìn đồng/kg - rắn ri voi và 350-450 nghìn đồng/kg - rắn ri cá, tùy vào kích cỡ.
“Rắn con nuôi được hơn 1 tháng tuổi, đã ngừa bệnh đường ruột thì tôi mới xuất bán cho khách; khi đó mọi người mua về sẽ ít hao hụt", anh Khanh nói.
Nhờ vào nuôi rắn , mỗi năm anh Khanh lãi gần 500 triệu đồng. Mô hình nuôi rắn của anh Khanh cũng được ngành nông nghiệp của nhiều nơi đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và chọn mua con giống.