Ô nhiễm không khí kinh hoàng tại Hà Nội và điều cần làm để "sống sót"

Thanh Hải 02/10/2019 09:58

PLBĐ - Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài. Website Air Visual đưa Thủ đô của Việt Nam vào top những thành phố lớn có chỉ số ô nhiễm không khí tức thời cao nhất thế giới, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Không khí Hà Nội trong ngưỡng báo động

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, liên tục nhiều ngày qua, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội ở mức kém. Việc gia tăng ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hóa đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người dân Thủ đô.

Tại Hà Nội trong thời gian từ ngày 12/9 đến 29/9, không khí luôn có nồng độ bụi PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép của QCVN.

Theo số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động suốt 24 giờ trên địa bàn thành phố (1 của Đại sứ quán Mỹ, 1 của Tổng cục Môi trường, 11 của thành phố Hà Nội), từ ngày 12-17/9 nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng, sau đó lại giảm từ ngày 18-22/9 rồi lại tiếp tục tăng cao trở lại, duy trì nồng độ bụi cao vượt ngưỡng cho phép đến hết tháng 9. Đáng lưu ý trong các ngày từ 15-17/9 và 23-29/9 nồng độ bụi PM2.5 có đến hơn 75% thời gian trong ngày vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam.

Đặc biệt từ ngày 25-29/9 toàn bộ các trạm đều ghi nhận sự vượt chuẩn của nồng độ bụi PM2.5 trong không khí toàn khu vực nội thành Hà Nội. Đáng ngại nhất là vào ngày 29/9 theo số liệu ghi nhận tại trạm Đại sứ quán Mỹ lượng bụi trong không khí lên đến mức báo động: vượt 200% QCVN.

Phân tích số liệu ghi nhận tại các trạm quan trắc tự động thì thấy rằng, khoảng thời gian giá trị bụi PM2.5 cao nhất vào khoảng từ đêm tới sáng sớm, tương đương chất lượng không khí tại Thủ đô vào khoảng thời gian này cũng rất kém, thậm chí có giờ ở mức độ xấu. 

o_nhiem_khong_khi_0210_yzvz
Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí đáng báo động. (Ảnh: Tiền phong)

Như Người đưa tin đã đưa, tại cuộc họp báo Quý III của UBND thành phố Hà Nội, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng UBND thành phố, người phát ngôn UBND thành phố Hà Nội thừa nhận chất lượng không khí suy giảm.

Về nguyên nhân, ông Vũ Đăng Định cho biết, tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời điểm chuyển mùa (tháng 3 và tháng 9). Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.

Đồng thời, ông Vũ Đăng Định cũng liệt kê 12 nguồn gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: Khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; Đun bếp than tổ ong, đốt củi; Phá dỡ các công trình xây dựng và xây dựng các công trình không đúng quy trình; Vận chuyển vật liệu xây dựng; Mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; Mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; Đốt rơm rạ, rác; Thu gom rác thải chưa tốt; Ô nhiễm ao hồ lâu năm; Bùn thải chưa được xử lý; Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; Do tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Theo TTXVN, cũng tại cuộc họp báo, ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường (Sở TN&MT) Hà Nội cho biết: Trong thời gian qua, khi chất lượng không khí xuống mức kém, thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông cần đeo khẩu trang hợp quy chuẩn. Đối với người già, trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm không khí nên hạn chế ra đường; trẻ em các trường mầm non hạn chế vận tham gia các hoạt động ngoài trời và dã ngoại.

“Thành phố phấn đấu đến năm 2020 sẽ lắp đặt 20 trạm quan trắc môi trường cố định và 12 trạm di động. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để giám sát diễn biến chất lượng của thành phố để có những cảnh báo kịp thời tới nhân dân”, ông Mai Trọng Thái cho biết.

Ô nhiễm không khí - “kẻ giết người” thầm lặng

Ở Việt Nam, trung bình 164 người mỗi ngày tử vong chỉ vì hít thở không khí. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)  đã gọi nạn ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”. Vậy nhiễm không khí, bụi mịn gây nguy hại cho sức khỏe như thế nào?

Ảnh hưởng tới hô hấp: Khi bạn tiếp xúc với ô nhiễm không khí, các hạt vật chất sẽ xâm nhập vào hệ hô hấp, gây ra các vấn đề nghiêm trọng như viêm họng, viêm phế quản, ho, hen suyễn…

Bệnh tim: Việc nhiễm bụi chứa carbon sẽ khiến cơ thể giảm lượng lopoprotein (HDL) - một dạng cholesterol tốt cho sức khỏe. Đây chính là nguyên nhân khiến bạn dễ mắc bệnh tim mạch hơn những người hít không khí trong lành.

ha-noi-o-nhiem-khong-khi-nhu-the-nao
Khói bụi tiềm ẩn các mối đe dọa đến sức khỏe con người. (Ảnh minh họa)

Khó ngủ: Một số nghiên cứu chứng minh rằng, ô nhiễm không khí liên quan tới NO2 (Nito dioxide), trực tiếp gây ra chứng rối loạn giấc ngủ. Bởi con người khi sống trong môi trường không khí ô nhiễm sẽ bị kích thích, sưng, tắc nghẽn đường hô hấp trên và ảnh hưởng tới não bộ, hệ thần kinh trung ương khiến cho việc kiểm soát giấc ngủ trở nên khó khăn.

Sa sút trí tuệ: Các hạt bụi siêu mịn từ các nhà máy, phương tiện giao thông có thể dễ dàng len lỏi sâu vào cơ thể, vào máu, phổi, gây hại cho não và tàn phá sức khỏe người cao tuổi. Đây cũng là nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ ở nhiều người.

Ảnh hưởng đến xương: Theo các chuyên gia, bụi hay các hạt bụi siêu mịn PM2.5 có thể gây mất mật độ khoáng chất trong xương, từ đó tăng tỷ lệ gãy và mất xương ở người già.

Ô nhim không khí Hà Ni kéo dài đến bao gi?

Báo Tiền phong đưa tin, theo TS Dư Đức Tiến, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày mai, (khoảng từ ngày 3 đến 6/10), tại Bắc Bộ hình thành vùng hội tụ gió ở mực 1500m và khoảng từ ngày 5/10 có khả năng lưỡi áp cao lục địa được tăng cường yếu trở lại. Do đó từ ngày 3 đến 6/10 Bắc Bộ sẽ chuyển nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác. Thủ đô Hà Nội chuyển sang hình thái thời tiết nhiều mây, có lúc có mưa rào và dông, nhiệt độ 24-33 độ C. 

Với điều kiện thời tiết như trên, khả năng gây ra hiện tượng nghịch nhiệt sẽ tiếp tục đến hết hôm nay (2/10). Từ ngày mai (3/10), hiện tượng nghịch nhiệt kết thúc, chất lượng không khí sẽ được cải thiện.

Thói quen tốt để bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí

Để không trở thành nạn nhân của ô nhiễm không khí, mỗi người cần làm những việc sau mỗi ngày:

Đeo khẩu trang đúng cách: Để bảo vệ sức khỏe cần đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài và giặt chúng thường xuyên. Cũng nên lưu ý sử dụng khẩu trang có kích thước vừa vặn, tránh quá rộng hay chật. Ngoài ra, cũng nên lựa chọn các sản phẩm đạt chuẩn và có khả năng ngăn ngừa các loại khí gây hại trong không khí.

bc6bdb0866488f16d659
Chọn khẩu trang đạt chuẩn để ngăn ngừa ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí, bụi mịn. (Ảnh: Lê Phú)

Súc họng thường xuyên: Không khí ngày càng ô nhiễm khiến các căn bệnh về hô hấp gia tăng. Lúc này, thói quen súc họng hàng ngày sẽ giúp làm sạch và hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh. 

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin: Ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân khiến lượng vi khuẩn trong không khí gia tăng. Lúc này, cơ thể có sức đề kháng yếu sẽ dễ mắc phải các bệnh về nhiễm khuẩn. Để ngăn ngừa tình trạng trên, mỗi người cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin như rau xanh, trái cây và các loại hạt. Chúng sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và chống lại các nguy cơ gây bệnh hiệu quả hơn.

Đóng kín cửa trong những ngày được cảnh báo đỏ về ô nhiễm bụi mịn.

Nên có máy lọc không khí ít nhất là trong phòng ngủ: Bản chất máy lọc là một cái quạt hút không khí đi qua các màng lọc. Máy lọc không khí tốt là loại máy có đủ 3 màng, lọc thô - màng HEPA lọc bụi và bụi mịn - màng than hoạt tính để lọc bớt tạp chất hữu cơ.

T.H (th) 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ô nhiễm không khí kinh hoàng tại Hà Nội và điều cần làm để "sống sót"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO