Mới đây, tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Hà Nội), Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) đã ký kết hợp tác thông qua Hợp đồng khung cho vay gián tiếp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các giải pháp tài chính hiệu quả.
Việc hợp tác ký kết giữa hai bên sẽ góp phần tạo cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận vốn hiệu quả thông qua triển khai thực hiện cho vay gián tiếp đối với đối tượng này theo quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, doanh nghiệp SME sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi vượt trội với lãi suất hấp dẫn chỉ từ 1,2% - 4,4%/năm. Ngoài ra, OCB còn cung cấp những giải pháp quản lý tài chính tối ưu, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động và tăng trưởng bền vững.
Phát biểu khai mạc Lễ ký kết, ông Phạm Xuân Kiên – Chủ tịch Hội đồng Thành viên SMEDF cho biết DNNVV hiện nay chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Điều đó cho thấy vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng DNNVV đối với phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
"Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển của cộng đồng DNNVV thông qua nhiều chính sách, trong đó có Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ. Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao thực thi chính sách hỗ trợ của Nhà nước (theo Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 39) đến cộng đồng DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực: Khởi nghiệp sáng tạo; cụm liên kết ngành; chuỗi giá trị. Mục tiêu của Quỹ là ngày càng đẩy mạnh hơn nữa sự hỗ trợ tăng cường năng lực, giải ngân cho vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để DNNVV thực hiện các phương án, dự án sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ DNNVV Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tăng năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế, xã hội đất nước", ông Phạm Xuân Kiên nhấn mạnh", ông Phạm Xuân Kiên nhấn mạnh thêm.
Ông Phạm Xuân Kiên – Chủ tịch HĐTV SMEDF phát biểu tại Lễ ký
Để thực hiện được mục tiêu đó, theo Chủ tịch SMEDF, một trong những giải pháp hữu hiệu là tăng cường, mở rộng hợp tác với các NHTM, đặc biệt là các NHTM có uy tín hàng đầu Việt Nam với 3 tiêu chí "Tốc độ tăng trưởng, An toàn và Hiệu quả" như OCB. Ông Phạm Xuân Kiên bày tỏ tin tưởng, với mục tiêu chung mà hai bên cùng hướng tới là tăng cường hỗ trợ cộng đồng DNNVV, hợp tác của Quỹ SMEDF và OCB sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và bền lâu.
Chia sẻ tại Lễ ký, ông Chử An Trung - Giám đốc vùng miền Bắc Khối Khách hàng Doanh nghiệp OCB khẳng định trong thời gian qua, dù sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng các NHTM, trong đó có OCB đã rất nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
"Theo báo cáo tài chính, tăng trưởng tín dụng của OCB tính đến hết ngày 30/6/2024 đạt 6,3%, mức cao hơn trung bình ngành. Với việc từng bước chuyển dịch cơ cấu khách hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tốc độ phục vụ khách hàng, phát triển phân khúc DNNVV, OCB đã đưa ra nhiều chương trình, giải pháp tài chính thiết thực, ưu đãi lãi suất, đồng hành cùng quá trình phát triển, sản xuất kinh doanh, tín dụng dành cho nhóm khách hàng SME của ngân hàng tăng gần 18%", ông Trung chia sẻ thêm.
Ông Trung bày tỏ kỳ vọng quan hệ hợp tác giữa OCB và SMEDF thông qua việc ký kết Hợp đồng khung cho vay gián tiếp sẽ là một bước tiến mới cho ngân hàng trong vai trò đồng hành và sát cánh cùng DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành và doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị. "Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV tại Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hàng đầu thị trường. Việc hợp tác cùng với Quỹ cũng là để hỗ trợ các DNNVV đang còn yếu và thiếu vốn. Qua đó, góp phần tác động thay đổi khẩu vị rủi ro của các tổ chức tín dụng: chuyển từ việc đề cao tiêu chí tài sản bảo đảm sang việc chú trọng đánh giá năng lực nội tại của doanh nghiệp (triển vọng phát triển của doanh nghiệp, kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp, tính minh bạch của thông tin tài chính…). Chúng tôi tin tưởng và cam kết OCB sẽ đáp ứng đầy đủ năng lực vận hành để tiếp nhận và triển khai hiệu quả nguồn vốn từ SMEDF", đại diện OCB khẳng định.
Với mục tiêu chung tăng cường hỗ trợ cộng đồng DNNVV mà hai bên cùng hướng tới, hợp tác giữa SMEDF và OCB sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và bền lâu.
OCB được thành lập từ năm 1996. Với hệ thống mạng lưới gần 200 điểm giao dịch, có trụ sở hoạt động tại 48 tỉnh thành trên cả nước, OCB mang đến cho các khách hàng cơ hội tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tín dụng chất lượng cao. Theo Brand Finance, tổ chức hàng đầu thế giới về định giá thương hiệu, với giá trị thương hiệu đạt 150 triệu USD, chỉ số sức mạnh thương hiệu đạt 67,3 xếp hạng AA, năm 2024, OCB tiếp tục lọt Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Đồng thời, OCB cũng ghi dấu ấn Top 6 tăng trưởng nhanh nhất ngành ngân hàng trong bảng xếp hạng và liên tục được các tổ chức tài chính có uy tín quốc tế và trong nước đánh giá cao, đạt được nhiều giải thưởng uy tín. Với định hướng tập trung vào khách hàng doanh nghiệp Start-up và SME, OCB đang từng bước khẳng định vị thế của mình qua những hợp tác chiến lược cùng Quỹ đầu tư Genesia và mới đây là SMEDF, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng đồng hành đáng tin cậy cho doanh nghiệp thông qua các chính sách và giải pháp tài chính chuyên biệt.