Ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội nguy cơ thiếu điện vào năm 2020

17/01/2019 11:36

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 17-1 nhấn mạnh TP Hà Nội "chắc chắn sẽ thiếu điện vào năm 2020 nếu các dự án truyền tải điện không được triển khai kịp thời".

Ngày 17-1, phát biểu ý kiến tại hội nghỉ tổng kết công tác năm 2018 ngành Công Thương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, đẩy nhanh các dự án truyền tải điện cho TP Hà Nội.

Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho biết địa phương này đang đứng trước nguy cơ thiếu điện vào năm 2020, 2021 nếu các dự án truyền tải điện bị chậm tiến độ, không hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

evn-1547692675098545515110
Hà Nội đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020 nếu các dự án truyền tải bị chấm tiến độ (ảnh minh họa).

"TP Hà Nội chắc chắn sẽ thiếu điện vào năm 2020 nếu các dự án truyền tải điện không được triển khai kịp thời"- ông Chung nhấn mạnh. Theo ông Chung, một số dự án truyền tải điện, xây dựng trạm biến áp tại TP thời gian qua có điều chỉnh, tuy nhiên ông mong muốn Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo để đầu tư vốn thực hiện, đảm bảo cung cấp điện cho toàn thành phố thời gian tới.

Cũng liên quan đến lĩnh vực điện năng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Công Thương có cơ chế thu mua điện từ các nhà máy đốt rác sản xuất điện với giá cao hơn so với điện phát ra từ các nguồn khác để khuyến khích.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung cũng đề cập đến việc Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương đã được nâng cấp lên Tổng cục Quản thị trường, tuy nhiên các quy chế phối hợp vẫn chậm khiến TP Hà Nội đang lúng túng trong công tác chỉ đạo, phối hợp.

Trước các kiến nghị của UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết bộ sẽ tiếp thu, sớm giải quyết các kiến nghị này, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp của thành phố với bộ trong năm vừa qua.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính chung cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt 245 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tương ứng 15,9% và 12,9%).

Công tác quản lý thị trường được tập trung tổ chức triển khai khẩn trương theo Pháp lệnh Quản lý thị trường và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Nhiều lĩnh vực "nóng" trước đây đã được giải quyết đạt kết quả rõ nét như: Kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản và chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm…

(Theo Minh Chiến/nld.com.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội nguy cơ thiếu điện vào năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO