Ông Phạm Nhật Vũ bị bắt: Tội đưa hối lộ phải đối mặt với khung phạt nào?

Thanh Hải 13/04/2019 23:13

PLBĐ - Ông Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AVG) vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội đưa hối lộ. Vậy tội đưa, nhận hối lộ có khung hình phạt như thế nào?

Theo thông tin trên Trí Thức Trực Tuyến, ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với Phạm Nhật Vũ (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Nghe nhìn Toàn cầu - AVG) về tội Đưa hối lộ quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, người bị khởi tố ở khoản 4, điều 364 Bộ luật Hình sự sẽ phải đối mặt với khung phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Việc ra quyết định tố tụng với ông Vũ nằm trong diễn biến điều tra mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone và các đơn vị có liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 26/C46-P13 ngày 10/7/2018.

pham-nhat-vu
Ông Phạm Nhật Vũ.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone), Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc MobiFone) về tội Nhận hối lộ quy định tại khoản 4, điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Liên quan vụ án này, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Võ Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX; Hoàng Duy Quang, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX, về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Được biết, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn đang tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm người có liên quan theo quy định pháp luật.

Tội đưa, nhận hối lộ sẽ có khung hình phạt như thế nào?

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Hình phạt cho tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, hình phạt tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Nếu giá trị đưa hối lộ từ 2 triệu đồng trở lên đã bị đề nghị xử lý hình sự. Nếu giá trị đưa hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất từ 12 – 20 năm tù. Ngoài ra, tùy theo trường hợp, người đưa hối lộ còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền” – Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm.

Pham Nhat Vu dua hoi lo

Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Luật sư cũng trích dẫn tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng ;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

T.H (t/h)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ông Phạm Nhật Vũ bị bắt: Tội đưa hối lộ phải đối mặt với khung phạt nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO