Người dân hiện nay nghèo nhưng có thể sau họ lại có tiền mua ô tô, xe máy, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng nêu. Ông cũng đề xuất dành một phần đất tại nhóm nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang, đảm bảo an sinh tự nhiên...
Tại hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn mới đây, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã đưa ra đề xuất ở 3 nhóm vấn đề, trong đó có nhóm vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội.
Ông Vượng đề xuất tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, không chỉ là nhà ở cho người nghèo mà là nhà ở cho người chưa giàu và cho công dân bình thường trong đất nước.
Vị tỷ phú nhìn nhận người dân hiện nay nghèo nhưng có thể sau họ lại có tiền mua ô tô, xe máy. Với tầm nhìn đó, nhà ở cũng phải có chỗ để xe, vui chơi cho trẻ con, tiện ích cho người già.
“Chúng ta nâng tiêu chuẩn nhà ở xã hội lên một chút thành nhà ở bình thường. Nếu được nữa thì cho phép đổi tên, không gọi là “Nhà ở xã hội” nữa mà là “Nhà ở Chính phủ” chẳng hạn, tức được Chính phủ hỗ trợ”.
“Đặc biệt, trong nhóm Nhà ở Chính phủ hoặc Nhà ở xã hội, dành riêng nhóm xây nhà cho nhà cán bộ viên chức, lực lượng vũ trang, công an quân đội. Tự nhiên vấn đề an sinh tốt hơn”, ông Vượng nói.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Vingroup đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.
Ông Vượng cho biết nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ hàng tồn chừng 5% - 7%, cộng thêm bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung, phân khu, quy hoạch chi tiết, nghiệm thu đề án được làm song song, sẽ rút ngắn được từ 6-9 tháng cho công tác này.
Ông Vượng cho biết hiện Vingroup đang rất nỗ lực trong đăng ký 500.000 căn nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa đạt bao nhiêu vì thủ tục còn chậm.
Hai nhóm vấn đề khác ông Vượng đề xuất là nhóm vấn đề đào tạo - với đề xuất đào tạo và phổ cập tiếng Anh toàn dân, và nhóm vấn đề công nghiệp phụ trợ. Theo đó, ông Vượng đề xuất có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ, để Việt Nam có được một nền công nghiệp phụ trợ mạnh tương tự Thái Lan.