Ông Trần Hùng bị tuyên phạt 9 năm tù vì nhận hối lộ 300 triệu đồng vụ sản xuất, buôn bán sách giả

27/07/2023 14:29

HĐXX nhận định có đủ căn cứ chứng minh ông Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng liên quan tới vụ sản xuất, buôn bán sách giả xảy ra tại Công ty Phú Hưng Phát.

Sau 9 ngày làm việc và nghị án, sáng 27/7, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt 36 bị cáo trong vụ sản xuất, buôn bán hơn 9,4 triệu cuốn sách giả.

HĐXX đánh giá hành vi của nhóm bị cáo gồm Trần Hùng (cựu Cục phó QLTT, cựu Tổ trưởng 304 Tổng cục QLTT) và 3 cựu cán bộ Đội QLTT số 17, Lê Việt Phương (cựu đội phó), Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (cán bộ Đội) đã làm ảnh hưởng tới uy tín các cơ quan công quyền, làm mất niềm tin của Nhân dân.

Trong quá trình điều tra, cũng như tại tòa tuy Trần Hùng không nhận tội, nhưng căn cứ vào tài liệu điều tra, hồ sơ vụ án cũng như lời khai của các bị cáo khác có đủ chứng cứ xác định Hùng lợi dụng chức vụ quyền hạn đã nhận hối lộ 300 triệu để giúp đỡ Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát).

HĐXX xét thấy, Trần Hùng là người có chức vụ quyền hạn, bị cáo được quyền phối hợp với các Cục QLTT để kiểm tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm.

Về quan điểm của luật sư bào chữa cho Trần Hùng, mặc dù lời khai của Nguyễn Duy Hải có khác nhau về thời gian đưa tiền, nhưng xuyên suốt nội dung các lời khai của bị cáo này đều thể hiện việc đưa tiền cho Hùng để giúp đỡ Thuận. Mặt khác, lời khai của Kiều Nghiệp và Nguyễn Văn Kim (thành viên Tổ công tác 304, Tổng cục QLTT) đều cho thấy Hải có mang theo 1 túi bóng đen tới phòng làm việc của Hùng. Lời khai của Hải phù hợp với các nhân chứng và quá trình thực nghiệm điều tra của cơ quan công an.

Ông Trần Hùng bị tuyên phạt 9 năm tù vì nhận hối lộ 300 triệu đồng vụ sản xuất, buôn bán sách giả - Ảnh 2.

Bị cáo Trần Hùng tại tòa sáng 27/7

3 cán bộ Đội QLTT số 17 gồm Lê Việt Phương – Phó Đội trưởng, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương (cán bộ Đội) do chịu tác động của Trần Hùng đã dẫn tới hành vi phạm tội. Quá trình điều tra và tại toà, 3 bị cáo này cũng thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt.

Trong khi đó, HĐXX nhận định hành vi của nhóm bị cáo sản xuất, buôn bán hàng giả là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu tới trật tự xã hội. Quá trình điều tra và tại tòa các bị cáo đều hợp tác, thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt.

Từ những nhận định nêu trên, HĐXX quyết định tuyên phạt: Cao Thị Minh Thuận 10 năm tù tội sản xuất, buôn bán hàng giả (phạt bổ sung 50 triệu đồng); Trần Hùng 9 năm tù nhận hối lộ (phạt bổ sung 80 triệu đồng); Nguyễn Duy Hải 27 tháng tù tội môi giới hối lộ; Lê Việt Phương 30 tháng tù; Phạm Ngọc Hải cùng Thành Thị Đông Phương – đều là kiểm soát viên Đội QLTT 17, lần lượt chịu mức án 20 và 18 tháng tù (hưởng án treo).

Các bị cáo còn lại ở nhóm tội sản xuất, buôn bán hàng giả bị HĐXX tuyên phạt từ 24 tháng tù (hưởng án treo) tới 6 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.

Theo cáo trạng, ngày 9/7/2020, khi Công ty Phú Hưng Phát bị Đội QLTT số 17 kiểm tra, thu giữ 68 đầu sách, tổng số lượng hơn 27.000 quyển sách giả của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Cao Thị Minh Thuận thấy Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo nên đã nhắn tin, gọi điện thoại cho Trần Hùng với mục đích nhờ giúp đỡ, chỉ đạo để xử lý nhẹ vụ việc. Trần Hùng nói đồng ý "tha" với yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu.

Mặc dù đã nhờ Trần Hùng nhưng vẫn lo sợ bị xử lý hình sự vì Công ty Phú Hưng Phát vẫn đang trong thời hạn bị Đội QLTT số 11 xử phạt hành chính, nên Thuận đã bàn bạc, trao đổi, thống nhất với Nguyễn Mạnh Hà (Phó Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội) và Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) chi tiền để xin xem xét xử nhẹ đối với vụ việc này.

Ngày 14/7/2020, Nguyễn Duy Hải gặp Trần Hùng đặt vấn đề Thuận gửi Trần Hùng và tổ công tác 304 số tiền 400 triệu đồng, xin Trần Hùng bỏ qua vụ việc vi phạm của Công ty Phú Hưng Phát. Trần Hùng đã hướng dẫn Hải bảo với Thuận phải thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách do Thuận mua bị thu giữ, thành sách do người khác mang đến ký gửi.

Sau khi tiếp thu ý kiến của Trần Hùng, Nguyễn Duy Hải đã nói lại nội dung này với Nguyễn Mạnh Hà để trao đổi lại với Cao Thị Minh Thuận, đồng thời nhận từ Hà số tiền 300 triệu đồng do Thuận đưa vào tối 14/7/2020.

Sáng 15/7/2020, Nguyễn Duy Hải cầm 300 triệu đồng được đựng trong túi ni-lon màu đen đến phòng làm việc của Trần Hùng. Tại đây, Hải gặp Trần Hùng cùng các ông Kiều Nghiệp, Nguyễn Văn Kim, Hải nói với Thuận đưa 300 triệu đồng và đưa túi tiền cho Trần Hùng, nhưng Trần Hùng bảo cất đi.

Để muốn chứng minh cho Thuận biết mình đang ở phòng làm việc của Trần Hùng, Hải điện thoại cho Thuận và đưa điện thoại cho Hùng nói chuyện với Thuận. Khi nói chuyện, Trần Hùng tiếp tục hướng dẫn Thuận viết lại bản giải trình thay đổi lời tường trình về nguồn gốc sách bị thu giữ là do người khác gửi. Sau đó Trần Hùng có việc bận, bảo Kiều Nghiệp, Nguyễn Văn Kim đưa Hải đi ăn cơm trưa.

Khi đi ăn, Hải vẫn cầm theo túi tiền này. Sau khi ăn xong, đầu giờ chiều 15/7/2020, Hải cầm túi tiền đi theo Kiều Nghiệp, Nguyễn Văn Kim về Tổng cục QLTT. Đến sảnh cầu thang tầng 2 tòa nhà Tổng cục QLTT, Nguyễn Duy Hải chào ông Kim, ông Nghiệp, sau đó đi lên tầng 3 vào phòng làm việc của Trần Hùng đưa cho Trần Hùng số tiền 300 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ông Trần Hùng bị tuyên phạt 9 năm tù vì nhận hối lộ 300 triệu đồng vụ sản xuất, buôn bán sách giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO