Phân biệt dấu hiệu mắc Adenovirus với bệnh cảm cúm thông thường

23/09/2022 21:10

PLBĐ - Mắc Adenovirus và bệnh cảm cúm, hô hấp có những triệu chứng khởi phát giống nhau nên không tránh khỏi sự nhầm lẫn trong quá trình xác định bệnh. Vì vậy cha mẹ cần nắm rõ dấu hiệu của mỗi loại bệnh để không bị nhầm lẫn và phát hiện kịp thời bệnh của trẻ.

Ngày 22/9, Bệnh viện Nhi Trung ương có bản tin cập nhật diễn biến Adenovirus và các biện pháp chủ động ứng phó. Theo đó, từ tháng 8 đến ngày 21/9, số ca mắc Adenovirus tăng cao. Tổng số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú là 811 (gần 58%) với 7 ca tử vong.

Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21/9, tổng số ca bệnh Adenovirus phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỷ lệ chung trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.

Phân biệt dấu hiệu mắc Adenovirus với bệnh cảm cúm thông thường - Ảnh 1.

Các bệnh nhi mắc Adenovirus đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trước diễn biến ca mắc Adenovirus, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ban hành các tài liệu, văn bản hướng dẫn về quản lý, phân luồng tiếp nhận, cách ly điều trị và dự phòng lây nhiễm Adenovirus. Cụ thể, các đơn vị có khám bệnh trong bệnh viện tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, chỉ định xét nghiệm xác định căn nguyên phù hợp; kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với bệnh nhi nhẹ, bệnh nhi điều trị ngoại trú. Đồng thời phân luồng cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm Adenovirus hoặc các trường hợp các xác định nhiễm.

Bệnh viện đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng. Các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép…

Adenovirus là gì?

Adenovirus được phát hiện lần đầu vào năm 1953 từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể con người. Virus này có thể tồn tại, gây bệnh trong thời gian dài ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng có thể tồn tại khoảng 30 ngày, ở 40 độ C có thể sống trong nhiều tháng, -200 độ C tồn tại được nhiều năm. Tuy nhiên, virus có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím và môi trường nước sôi 100 độ C. Virus bị mất độc lực nhanh và chết ở 56 độ C trong 3 - 5 phút.

Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não màng não…

Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân-hè hoặc thu-đông. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày. Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi).

Phân biệt dấu hiệu mắc Adenovirus với bệnh cảm cúm thông thường

Với bệnh cảm cúm thông thường, người bệnh thường thấy xuất hiện các triệu chứng điển hình như: Khó thở; ho dai dẳng; thở rít, thở khò khè; ho ra máu; thở nhanh.

Phân biệt dấu hiệu mắc Adenovirus với bệnh cảm cúm thông thường - Ảnh 2.

Còn với bệnh do Adenovirus, người bệnh không chỉ có các triệu chứng ở cơ quan hô hấp mà còn có thể có nhiều biểu hiện ở các cơ quan khác.

- Viêm đường hô hấp cấp: Người bệnh có biểu hiện sưng họng, đau họng, ho, hạch cổ bạch huyết sưng đau, sốt cao. Bệnh diễn biến cấp tính, thường kéo dài từ 3-4 ngày, trường hợp trầm trọng có thể dẫn đến viêm phổi.

- Viêm họng cấp: Bệnh thường phát hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện như viêm họng, ho, sốt, chảy nước mũi. Viêm họng cấp do Adenovirus gây nên thường kéo dài từ 7-14 ngày và có thể lây lan nhanh thành dịch.

- Viêm họng kết mạc: Ngoài những triệu chứng như viêm họng cấp, người mắc viêm họng kết mạc còn có dấu hiệu mắt đỏ, chảy dịch trong, thường không đau.

- Viêm phổi: Người bệnh sốt cao đột ngột, ho, sổ mũi, các dấu hiệu tổn thương ở phổi xuất hiện và có thể lan rộng, để lại các di chứng nguy hiểm. Mắc viêm phổi do Adenovirus có thể gây tử vong với tỷ lệ từ 8-10%.

- Bệnh viêm kết mạc mắt: Viêm kết mạc mắt hay đau mắt đỏ do Adenovirus thường bùng phát thành dịch vào mùa hè do lây nhiễm qua nước ở bể bơi. Biểu hiện bệnh là kết mạc mắt đỏ, có thể một bên hoặc cả hai bên, chảy dịch trong, dễ dàng bội nhiễm vi khuẩn nếu không được can thiệp kịp thời.

- Bệnh viêm dạ dày, viêm ruột: Viêm dạ dày, viêm ruột do Adenovirus thường gặp ở trẻ nhỏ, người bệnh có biểu hiện tiêu chảy kéo dài khoảng 7 ngày, sốt, đau đầu, buồn nôn, viêm kết mạc. Virus gây bệnh ở đường tiêu hóa và được đào thải trong phân.

- Viêm bàng quang: Adenovirus chính là nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang ở trẻ em. Virus có thể được tìm thấy trong nước tiểu, niệu đạo và tử cung của người bệnh.

- Viêm gan: Theo báo cáo, giới chức y tế Anh và Mỹ nghi ngờ Adenovirus có thể là nguyên nhân gây viêm gan bí ẩn ở trẻ em. Thời gian gần đây, phần lớn những trẻ có biểu hiện viêm gan đều mắc Adenovirus, trong đó đã có những trường hợp tử vong. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những kết luận chi tiết và chính xác về dấu hiệu viêm gan ở trẻ mắc Adenovirus.

Về con đường lây truyền, Adenovirus có khả năng gây bệnh đường hô hấp nhưng cũng có thể gây viêm kết mạc, viêm dạ dày - ruột, viêm bàng quang. Vì vậy, Adenovirus có thể lây bệnh không chỉ qua đường hô hấp mà còn có thể cả khi quan hệ tình dục không an toàn. Trong khi đó, bệnh cảm cúm chỉ có thể lây qua đường hô hấp.

Phòng ngừa bệnh do Adenovirus gây ra

Theo TS. BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện tại ở Việt Nam, chưa có vaccine phòng ngừa Adenovirus. Vì vậy, cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường uy đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vaccine phòng bệnh đang sẵn có.

Còn theo BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM), trẻ mắc Adenovirus trở nặng thường là do miễn dịch kém hay do nhiễm thêm vi trùng, nhất là vi trùng kháng thuốc. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh do Adenovirus gây ra. Vậy nên, biện pháp phòng ngừa vẫn là rửa tay, người lớn bị cảm phải tránh xa trẻ nhỏ, đeo khẩu trang đầy đủ, uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng… Với trẻ nhỏ cần cho tiêm chủng đầy đủ các mũi như 6 trong 1, phế cầu, cúm… để phòng bệnh tốt hơn.

Để phòng ngừa bệnh do Adenovirus gây ra mỗi người cần có ý thức chủ động phòng tránh bệnh cho bản thân và gia đình bằng các biện pháp sau:

- Sử dụng khăn mặt riêng, tránh dùng chung và thường xuyên vệ sinh khăn mặt bằng xà phòng, phơi chỗ thoáng mát, khô ráo.

- Vệ sinh họng sạch sẽ bằng cách thường xuyên súc miệng nước muối.

- Nước sinh hoạt trong gia đình phải đảm bảo là nguồn nước sạch đã được khử trùng an toàn.

- Khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh tuyệt đối không dùng chung đồ đạc cá nhân và cần chú ý sát khuẩn thường xuyên những đồ dùng của người bệnh.

- Bệnh do Adenovirus dễ dàng lây nhiễm ở các phòng khám bệnh, đặc biệt là phòng khám mắt. Do vậy, các nhân viên y tế hay khách hàng đến khám chữa bệnh cần chú ý sát khuẩn thường xuyên tay, tránh đưa lên mắt, mũi, miệng để giảm khả năng lây nhiễm bệnh.

- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất để tăng sức đề kháng, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu, trẻ em, người già và người mắc các bệnh mãn tính.

Bệnh viện Nhi Trung ương xây dựng tiêu chuẩn nhập viện và chuyển tuyến dưới đối với người bệnh Adenovirus tại các khoa lâm sàng

Tiêu chuẩn nhập viện điều trị trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus kèm theo một trong các tiêu chuẩn sau:

- Khó thở: Thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản

- Suy hô hấp hoặc giảm oxy máu: Tím, SpO 2 < 94%

- Có dấu hiệu toàn thân nặng: Nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng

- Bệnh nền nặng: Bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…

- Tổn thương trên X-quang phổi: Tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi,...

Tiêu chuẩn chuyển tuyến dưới điều trị trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus điều trị ổn định kèm theo các tiêu chuẩn:

- Không suy hô hấp: SpO2 từ 94% trở lên, không tím

- Giảm khó thở

- Hết sốt

- Ăn được bằng đường miệng

- Các rối loạn nặng đã được kiểm soát.

Thanh Hải (th)


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phân biệt dấu hiệu mắc Adenovirus với bệnh cảm cúm thông thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO