Phân cấp quản lý quốc lộ thế nào?

04/09/2024 18:18

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ số 35/2024/QH15, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định về phân cấp quản lý quốc lộ.

Phân cấp quản lý quốc lộ thế nào?- Ảnh 1.

Dự thảo nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phân cấp thực hiện liên tục, thường xuyên một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình đối với công tác quản lý quốc lộ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo tiêu chí phân cấp quốc lộ như sau:

a) Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ Khoản này;

b) Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định này;

c) Tuyến đoạn tuyến quốc lộ là đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, các tuyến quốc lộ huyết mạch có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của quốc gia;

d) Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đang thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đang trong thời hạn thực hiện hợp đồng do Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng; việc phân cấp được xem xét khi Hợp đồng đối tác công tư hết thời hạn và đã chấm dứt hợp đồng;

đ) Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ do doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư, kinh doanh khai thác và bảo trì.

Dự thảo nêu rõ, việc phân cấp được thực hiện trên khả năng thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Giao thông vận tải khi phân cấp có trách nhiệm bảo đảm điều kiện về tài chính và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.

Cơ quan được phân cấp chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, cụ thể: Tổ chức bộ máy, bảo đảm số lượng công chức, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm và biên chế để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp quản lý quốc lộ theo yêu cầu chung đối với công tác quản lý quốc lộ.

Bên cạnh đó, cơ quan được phân cấp tiếp nhận kinh phí, tổ chức quản lý, sử dụng kinh phí được giao để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp theo quy định; tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân cấp đáp ứng các yêu cầu đối với công tác quản lý quốc lộ theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và các quy định hiện hành; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước và địa phương; chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp trước Bộ Giao thông vận tải.

Căn cứ tình hình cụ thể ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp tiếp cho cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của Bộ Giao thông vận tải, cơ quan nhận phân cấp trực tiếp chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ phân cấp trước Bộ Giao thông vận tải.

Trình tự, thủ tục phân cấp

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải phân cấp quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ quốc lộ; đồng thời gửi cơ quan tham mưu về quản lý đường bộ trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Văn bản đề nghị nêu rõ lý do đề xuất phân cấp, nội dung đề nghị phân cấp, phương án thực hiện là trực tiếp thực hiện hay phân cấp tiếp cho cơ quan chuyên môn về giao thông đường bộ, việc tổ chức thực hiện để đáp ứng các trách nhiệm khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp theo quy định.

Cơ quan tham mưu về quản lý đường bộ trực thuộc Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm rà soát ý kiến của UBND cấp tỉnh, có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của các Bộ liên quan.

Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý tuyến, đoạn tuyến quốc lộ trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến của cơ quan tham mưu.

Dự thảo nêu rõ, các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ trước đây được Bộ Giao thông vận tải ủy thác, hoặc giao nhiệm vụ, hoặc ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải quản lý, khai thác và bảo trì được tiếp tục thực hiện cho đến khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện việc phân cấp quản lý quốc lộ.

Quản lý quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt

Theo dự thảo, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức bàn giao các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị đặc biệt cho Ủy ban nhân dân các thành phố này quản lý, trừ các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ quy định sau đây:

Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị đặc biệt hiện đang trong thời gian thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ Giao thông vận tải ký hợp đồng để các nhà đầu tư thực hiện quản lý, kinh doanh khai thác và bảo trì.

Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị đặc biệt hiện đang giao cho doanh nghiệp nhà nước dầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác và bảo trì.

Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đi qua đô thị đặc biệt nhưng đi xen kẹp qua địa bàn các tỉnh giáp ranh, có chiều dài đi qua đô thị đặc biệt ngắn.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phan-cap-quan-ly-quoc-lo-the-nao-119240904181000441.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phan-cap-quan-ly-quoc-lo-the-nao-119240904181000441.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phân cấp quản lý quốc lộ thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO