Các nhà khoa học Anh đã có phát hiện đột phá về nguồn gốc và bản chất một trong các căn bệnh đáng sợ nhất đối với loài người, hứa hẹn cho ra đời một vắc-xin mới.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí PLOS Biology của Viện Wellcome Sanger (Anh) đã tìm được những mắt xích còn thiếu trong hiểu biết về sốt rét - căn bệnh cho đến ngày nay vẫn là mối đe dọa của loài người.
Plasmodium falciparum, "quái vật" nhỏ gây nên căn bệnh sốt rét chết người - ảnh: HEMATOLOGY
Đầu tiên, họ đã khám phá ra nguồn gốc thực sự của căn bệnh: mầm bệnh trước đó sống trên vật chủ là những con khỉ đột Gorilla, sinh vật có DNA giống người đến 98-99%. Nó vô hại với Gorilla nhưng khoảng 50.000 năm trước, một sự đột biến gene đã biến ký sinh trùng sốt rét trở nên nguy hiểm với người.
Và bằng một cách bí ẩn nào đó, trong cuộc di cư hàng loạt của loài người từ 40.000-60.000 năm về trước, mầm bệnh đã "nhảy" từ Gorilla sang người.
Theo tiến sĩ Gavin Wright, tác giả chính của nghiên cứu, phát hiện trên cung cấp nhiều manh mối quan trọng trong công việc phân tích gene Rh5, thứ mà ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum phụ thuộc trong việc lây nhiễm vào các tế bào hồng cầu của con người.
Do đó, nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học tiến một bước quan trọng đến loại vắc-xin phòng sốt rét nhắm vào Rh5. Ước tính có gần ½ dân số thế giới có nguy cơ mắc căn bệnh này. Thống kê trên các trẻ em vùng Châu Phi hạ Sahara, hầu hết các trường hợp tử vong là do Plasmodium falciparum.