PLBĐ - Cùng với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thời gian gần đây, cơ quan chức năng ở một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp phát hiện và triệt phá nhiều cơ sở tái chế khẩu trang và găng tay y tế để tung ra thị trường kiếm lời.
Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương cho biết vừa phát hiện một cơ sở ở Đồng Nai thu gom lượng lớn khẩu trang lỗi để tái chế, nhằm bán ra thị trường kiếm lời. Cụ thể, sáng 22/8, Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Đồng Nai phối hợp với Công an TP Biên Hòa tiến hành kiểm tra đột xuất hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Giang (50 tuổi, HKTT tại tỉnh Lâm Đồng; tạm trú tại tổ 31 khu phố 7 phường Long Bình) và phát hiện số lượng lớn khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn khẩu trang y tế (tương đương 240.000 cái khẩu trang). Trong số này, có 2.300 cái khẩu trang y tế đã thành phẩm.
Làm việc với lực lượng chức năng, ông Giang khai nhận số khẩu trang phế liệu trên được mua từ nhiều cơ sở tại TP. HCM với giá 1.500 đồng/kg. Sau đó, đưa về Đồng Nai để thuê lại người dân và công nhân tại các khu nhà trọ giặt ủi, vá nối lại dây đeo với giá 8.500 đồng/kg. Số khẩu trang này sau khi được tái chế sẽ đưa về các tỉnh miền Tây để bán với giá rẻ.
Tiếp tục khám xét, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm hơn 3.000 bao bì giấy, bịch nhựa các loại mang nhãn hiệu: Thái Dương; BamBo; Skylight và 6 bao nilon đựng khẩu trang y tế loại 10 cái đã đóng gói sẵn.
Hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Thời gian qua, trước nhu cầu sử dụng trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 tăng cao, một số cơ sở đã thu gom và tái chế các mặt hàng như khẩu trang, găng tay y tế để tung ra thị trường kiếm lời. Việc làm này không chỉ thể hiện sự gian dối trong hoạt động kinh doanh mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Ngày 9/6 vừa qua, Công an tỉnh Thái Nguyên đã thông tin về vụ phát hiện cơ sở tái chế găng tay y tế đã qua sử dụng để tuồn ra thị trường. Cụ thể, ngày 8/6, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì, phối hợp với Công an huyện Phú Bình và Công an xã Tân Khánh tiến hành kiểm tra nhà ông Vũ Văn Hưng (42 tuổi, trú tại xóm Kê, xã Tân Khánh) có hoạt động thu gom, tập kết rác thải.
Tại thời điểm kiểm tra, công an phát hiện nhiều bao dứa, bao nilon bên trong đựng rác thải là găng tay nhựa và găng tay cao su đã qua sử dụng. Cụ thể, có 3,94 tấn găng tay đã qua sử dụng đã được phân loại; trên 6,4 tấn găng tay đã qua sử dụng chưa được phân loại và 3,130kg là các đầu bao tay của găng tay đã qua sử dụng. Toàn bộ số tang vật thu giữ là trên 13,5 tấn.
Chủ số rác thải này là chị Vũ Thị Thu Hương (31 tuổi, trú tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội). Chị Hương khai nhận đã thu mua số găng tay rác thải từ các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn Hà Nội và Thái Nguyên, sau đó tập kết tại nhà ông Hưng để phân loại, tái chế rồi mang đi tiêu thụ ngoài thị trường.
Trước đó, ngày 1/2, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Sơn La cũng đã phát hiện ông Hà Tiến Hùng (trú tại phường Quyết Tâm, TP Sơn La) vận chuyển 142 hộp khẩu trang (7.100 khẩu trang y tế loại 3 lớp) tại khu vực phường Chiềng Sinh, TP Sơn La. Toàn bộ số khẩu trang này có hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa là đến ngày 1/10/2020 nhưng đã được chủ sở hữu kéo dài thời hạn sử dụng đến ngày 1/10/2022 bằng cách dán đè thời hạn sử dụng mới lên.
Ông Hùng đã thừa nhận hành vi vi phạm và khai nhận toàn bộ số hàng này là mua của một người không rõ tên, địa chỉ trên mạng về để bán lại, vừa nhận hàng thì Đội QLTT số 1 đã phát hiện.
Trên đó là một trong số rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi tái chế và buôn bán các trang thiết bị y tế kém chất lượng để trục lợi được phát hiện và triệt phá thời gian qua. Việc làm này này không những thể hiện sự gian dối trong hoạt động kinh doanh mà còn trở thành mối nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, hành vi tái chế và buôn bán các trang thiết bị y tế kém chất lượng còn đe dọa đến sự an toàn của xã hội nhất là trong thời điểm dịch bệnh.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở tái chế và buôn bán các trang thiết bị y tế kém chất lượng. Mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, "nói không" với khẩu trang, găng tay y tế tái chế; đồng thời, cảnh giác, kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện các cơ sở sản xuất và buôn bán có dấu hiệu vi phạm.
T.H (th)