PLBĐ - Sau gần 5 giờ phẫu thuật căng thẳng, khối u kích thước 34x32mm đã được các bác sĩ bóc tách lấy bỏ hoàn toàn.
Thông tin từ VTV, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa phẫu thuật khối u màng não cho 1 bệnh nhi nhỏ tuổi. Đây là ca phẫu thuật khó và bệnh nhi có nguy cơ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời.
Cụ thể, bệnh nhi là cháu V.L.Q.T. (30 tháng tuổi, trú tại Tương Dương, Nghệ An) được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, nôn nhiều, không ăn uống được, sưng đau tăng dần khối vùng chẩm, không liệt khu trú. Sau khi thăm khám, làm xét nghiệm, chụp CTScanner, cộng hưởng từ não phát hiện có khối u màng não vùng chẩm với vị trí hết sức nguy hiểm và bắt buộc phải mổ.
Qua hội chẩn chuyên khoa và giải thích tình trạng của bệnh nhi cho người nhà, kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật lấy khối u kích thước 34x32mm cho bệnh nhân.
Theo gia đình cháu T., sau khi sinh được 4 tháng, gia đình phát hiện bệnh nhi xuất hiện 1 khối u vùng chẩm, to chậm, không có dịch, mủ.
BSCKI. Phan Văn Huy, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, khối u nằm ngay dưới các xoang tĩnh mạch lớn là xoang tĩnh mạch dọc trên và xoang ngang, nằm giữa 2 lớp của liềm đại não nên nguy cơ chảy máu trong mổ rất cao.
Sau gần 5 giờ phẫu thuật căng thẳng, dưới sự cố vấn chuyên môn của TS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần - Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) và sự đồng hành của TS.BSCKII Thái Văn Bình, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng, khối u đã được ê-kíp bóc tách lấy bỏ hoàn toàn.
Cuộc mổ diễn ra an toàn, không có tai biến, sau mổ bệnh nhi tỉnh táo, ăn uống tốt, dấu hiệu nhiễm trùng giảm, kết quả chụp CTScanner sọ não kiểm sau mổ không còn khối u.
Gần 2 tuần điều trị sau mổ, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt và được xuất viện.
Theo các chuyên gia y tế, U màng não (Meningioma) là một loại u nguyên phát của hệ thần kinh trung ương, u phát triển từ màng cứng hay màng nhện – lớp màng mỏng phủ lên nhu mô não và tủy sống. U màng não phát triển chậm, không thâm nhiễm (xâm lấn) và đẩy các tổ chức lân cận. Phần lớn các trường hợp mắc u màng não là lành tính. Tuy nhiên, chúng có thể phát triển tới kích thước rất lớn và ở một vài vị trí đặc biệt, có thể gây các triệu chứng thần kinh (yếu liệt nửa người, rối loạn thị giác, rối loạn tri giác),... hoặc đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Hầu hết các bệnh nhân u màng não thường chỉ có một u. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có thể có nhiều u phát triển nhanh ở nhiều vùng của não hoặc tủy sống. U màng não có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau của não và tủy sống, bao gồm:
U màng não xoang hang: Nằm gần khu vực dẫn lưu máu tĩnh mạch từ não về tim; U màng não bán cầu não: Nằm trên bề mặt bán cầu não; U màng não góc cầu tiểu não: Nằm gần bờ tiểu não; U màng não trong ổ mắt: Nằm trong hoặc quanh ổ mắt; U màng não lỗ chẩm: Nằm gần vị trí mở của nền sọ, qua đó phần thấp của thân não đi xuống dưới; U màng não trong não thất: Nằm trong các não thất – nơi dịch não tủy được dẫn lưu đi toàn bộ não; U màng não rãnh khứu: Nằm dọc theo dây thần kinh khứu giác; U màng não phần đá xương thái dương: Vùng xương thái dương chứa các cấu trúc hỗ trợ chức năng nghe; U màng não liềm não/ cạnh xoang dọc trên: Nằm cạnh nếp gấp màng cứng, vị trí phân cách bán cầu não 2 bên; U màng não xương bướm: Nằm gần xương bướm, sau hốc mắt; U màng não cột sống: Nằm trong cột sống, một vài trường hợp có thể chèn ép tủy sống; U màng não hố sau: Nằm gần phần sau não; U màng não bể trên yên: Nằm gần nền sọ vị trí tuyến yên; U màng não lều tiểu não: Nằm ở vị trí lều tiểu não.