Phẫu thuật lấy viên sỏi hơn 3cm trong bàng quang bé trai 13 tuổi

Thanh Hải 22/07/2019 11:00

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) vừa phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy viên sỏi bàng quang kích thước hơn 3cm cho bé trai 13 tuổi.

Bé trai được gia đình đưa đến khám sau khi xuất hiện tiểu đau, tiểu rặn có kèm sỏi. Qua thăm khám và các kết quả chiếu chụp, các bác sĩ chẩn đoán: sỏi bàng quang kích thước hơn 3cm và được chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy sỏi.

Tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ thực hiện với 3 vết mổ nhỏ trên bụng bệnh nhi (dưới 1cm). Qua đó, dụng cụ nội soi được đưa vào ổ bụng để tiến hành mở bàng quang bên trong ổ bụng (trong phúc mạc). Sỏi bàng quang sau đó được cho vào túi biệt lập và lấy ra ngoài qua vết mổ nhỏ ở bụng.

barfbyte2-15637123208471340762142-crop-15637123471931615063825

Theo các bác sĩ, bệnh lý sỏi đường tiết niệu nhìn chung ít gặp ở trẻ em. Nguyên nhân bệnh sinh ra chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa và những yếu tố thuận lợi như: nhiễm trùng đường tiểu, bệnh lý bẩm sinh đường tiết niệu. Sỏi đường tiết niệu là hậu quả của quá trình những khối tinh thể kết tụ từ một số thành phần trong nước tiểu ở đường tiết niệu (chủ yếu là canxi), gây nhiều biến chứng nặng nề, do sự ứ trệ nước tiểu tại thận, bàng quang. Cụ thể là nhiễm khuẩn đường tiết niệu, gây nên tình trạng viêm thận mạn tính. Diễn tiến lâu dài sẽ gây xơ hóa mô thận, và cuối cùng có thể dẫn đến suy thận mạn.

Triệu chứng khi trẻ có sỏi ở đường tiết niệu thường tùy thuộc vào vị trí của viên sỏi như: đau hông lưng trong sỏi thận - niệu quản, tiểu đau, tiểu rặn, tiểu ra sỏi trong sỏi bàng quang - niệu đạo, hoặc đôi khi không có triệu chứng cho đến khi xuất hiện các biến chứng của suy thận mạn như tăng huyết áp, phù, tiểu ít...

Tùy vào vị trí, kích thước sỏi đường tiết niệu mà sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Nếu sỏi ở đường tiết niệu trên như trong thận, đoạn đầu niệu quản, điều trị thường quy đến nay vẫn là mổ lấy sỏi. Đối với các trường hợp sỏi đường tiết niệu dưới như niệu quản đoạn dưới, bàng quang thì có thể áp dụng nội soi hệ niệu ngược dòng tán sỏi bằng laser. Tuy nhiên đối với các trường hợp sỏi bàng quang có kích thước lớn lớn hơn 3 cm, thì việc tán sỏi bằng laser là không khả thi. Do đó, các trường hợp này thường phải phẫu thuật mở bàng quang lấy sỏi.

Phương pháp mổ mở lấy sỏi bàng quang truyền thống với đường mổ dài (trên 10cm) ở vùng bụng dưới (tương tự đường mổ lấy thai nhi) khiến bệnh nhi bị đau nhiều sau mổ, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cao do đường mổ dài, tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu, sỏi có thể chứa nhiều vi trùng và để lại vết sẹo tương đối lớn cho bệnh nhi.

Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi là đường mổ nhỏ, ít đau sau mổ, ít nhiễm trùng - hở vết mổ, và tính thẩm mỹ cao hơn so với phương pháp truyền thống. Đặc biệt, phẫu thuật nội soi có ưu thế rất lớn trong các trường hợp bệnh nhi có cân nặng vượt quá chuẩn như trường hợp này (80kg). Do đó, giúp bệnh nhi nhanh chóng hồi phục sau mổ. Đồng thời giúp các bé ít bị ảnh hưởng tâm lý khi phải mang vết sẹo dài sau này.

(Theo VTV)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phẫu thuật lấy viên sỏi hơn 3cm trong bàng quang bé trai 13 tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO