PLBĐ - Vừa qua, khoa Ngoại Chấn Thương, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công 2 ca bệnh sọ não phức tạp. Trong đó có một bệnh nhi nam chỉ mới 7 tháng tuổi.
Đầu tiên là trường hợp bệnh nhi 7 tháng tuổi, vào viện vì vết thương vùng đầu (vùng thóp trước) do ngã va phải đầu mũi kéo, sau tai nạn vết thương đầu chảy nhiều máu.
Sau tai nạn vết thương đầu chảy nhiều máu, bệnh nhi được sơ cứu ở Bệnh viện huyện, sau đó chuyển Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng mê (P/AVPU), dấu hiệu mất máu rõ rệt, kiểm tra có vết thương vùng thóp trước kích thước 1×4 cm, chảy máu và nước não tủy qua vết thương, giảm vận động nửa người phải.
Các bác sĩ tiến hành xử lý vết thương hở sọ não. (ảnh BVCC)
Bệnh nhi được tiến hành hồi sức tích cực, dùng kháng sinh, chụp film CT sọ não cho thấy có hình ảnh của khí trong sọ, dập não thùy trán trái trên đường đi của vật sắc nhọn. Bệnh nhi được chẩn đoán vết thương sọ não hở, theo dõi rách xoang tĩnh mạch dọc trên. Ca bệnh được hội chẩn liện khoa thống nhất mổ cấp cứu, xử lí vết thương sọ não hở. Bệnh nhi được gây mê nội khí quản.
Kíp mổ tiến hành mở rộng vết thương về hai phía, kiểm tra thấy màng cứng và xoang tĩnh mạch dọc (mặt bên tiếp giáp với nhu mô não) bị rách, máu chảy từ vết thương xoang tĩnh mạch dọc rất dữ dội, kíp mổ đã tiến hành khống chế vết thương xoang để máu không chảy thêm, sau đó dùng cân sọ để vá vết thương xoang và màng cứng. Ca mổ kéo dài khoảng hơn 1 giờ.
Sau mổ bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, truyền máu, 12 giờ sau mổ bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, 7 ngày sau bệnh nhân được xuất viện mà không có di chứng gì.
Trường hợp thứ hai, bệnh nhi nam 2 tuổi, vào viện vì sốt, nôn. Bệnh diễn biến khoảng 4 tuần với biểu hiện sốt kéo dài, kèm theo nôn, tri giác suy giảm, trẻ không đi lại được, đã điều trị Bệnh viện huyện không bệnh không thuyên giảm. Bệnh nhi được chuyển Bệnh viện Nhi với các biểu hiện của hội chứng nhiễm trùng rõ, hội chứng tăng áp lực sọ não (+), kèm theo yếu nửa người.
Hình ảnh mủ trong ổ áp xe được lấy ra. (ảnh BVCC)
Bệnh nhi được tiến hành làm các xét nghiệm cơ bản, chụp CT sọ não, chụp cộng hưởng từ sọ não với hình ảnh của áp xe não kích thước 5x6x7 cm, gây hội ứng khối rõ rệt. Bệnh nhi được chẩn đoán bị áp xe não thùy đỉnh chẩm phải.
Ca bệnh được dùng kháng sinh phối hợp, hội chẩn liên khoa với thống nhất "mổ dẫn lưu ổ áp xe". Các phẫu thuật viên đã tiến hành khoan sọ, chọc dẫn lưu ra khoảng 70 ml dịch mủ. Sau mổ một ngày bệnh nhi tỉnh hoàn toàn, hết sốt, ăn uống tốt.
Sau điều trị 21 ngày bệnh nhi được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn, không có di chứng gì.