Sự kết hợp giữa loại nước dùng hầm từ xương bò và rau củ, cùng nguyên liệu đặc trưng của Hà Giang giúp phở ngô lọt danh sách 121 món ẩm thực Việt Nam tiêu biểu.
Là phở thân thuộc nhưng sợi bánh không phải làm từ gạo, mà từ ngô? Nghe có vẻ lạ tai, nhưng đây chính là một trải nghiệm ẩm thực độc đáo đáng thử khi đến Hà Giang. Với hương vị thanh mát, sợi bánh vàng ươm, phở ngô chinh phục trái tim của nhiều thực khách.
Phở ngô được người dân vùng cao lấy nguồn cảm hứng từ món mèn mén truyền thống với nguyên liệu chính là bột ngô, thành phần đặc biệt để tạo nên sợi phở vàng ươm đẹp mắt và có độ dai vừa phải. Phần nước dùng tương tự cách nấu món phở truyền thống, được ninh từ xương bò, kết hợp với các loại củ, quả đặc trưng địa phương cho ra đời hương vị thanh ngọt thơm ngon.
Cũng bởi đóng vai trò quan trọng cho món ăn hấp dẫn này, các công đoạn bánh phở đều rất tỉ mỉ và kỳ công. Ngô được chọn phải là loại ngô Đồng Văn bắp nhỏ, ngắn, chứa nhiều tinh bột. Để làm ra sợi phở có màu vàng óng, ngô được tách hạt mang đi phơi khô, nghiền sơ, đãi sạch rồi ngâm ít nhất 8 tiếng cho ngô nở, sau đó trộn thêm với nước thành hỗn hợp bột tráng bánh. Sau đó bột được tráng đều lên mặt nồi hấp được căng một lớp vải, đậy nắp trong 2 - 3 phút để bột chín đều.
Dù được tráng tay thủ công như bánh phở truyền thống song ngô có tính kết dính kém hơn gạo nên bánh phở ngô đòi hỏi kỹ thuật khó hơn. Tráng bột thật nhanh tay, dàn một lớp đều và mỏng vừa phải. Khi đã chín, làm dùng que gỗ nhấc lên để nguội. Cuối cùng, gấp bánh phở thành miếng hình chữ nhật và thái sợi vừa ăn.
Bát phở ngô nóng hổi ra đời với sợi bánh dai giòn, có vị ngọt tự nhiên của ngô, nước dùng hấp dẫn quyện hòa hương quế, hồi cùng thịt bò béo ngậy. Một món ăn vừa đẹp mắt, đậm đà lại vô cùng tốt cho sức khỏe bởi ngô có hàm lượng tinh bột thấp, giàu chất xơ và các vitamin, khoáng chất. Vì vậy, phở ngô cũng rất phù hợp cho những người đang ăn kiêng hoặc có chế độ ăn uống lành mạnh.
“Nức mũi” trên mọi nẻo đường cao nguyên đá, phở ngô không còn dừng lại ở một món ăn đơn thuần mà còn chứa đựng ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Đây là sự chắt chiu, sáng tạo và khéo léo của người dân và là tinh thần trân quý nguồn sản vật địa phương và là biểu tượng của sự giao thoa ẩm thực giữa các vùng miền.
Dù chưa được bày bán rộng rãi khắp nơi, nhưng một chuyến ngược lên Hà Giang, thưởng thức đặc sản thơm ngon và đắm mình trong vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình thì thật đáng, bạn nhỉ?