Vùng Đông Nam Bộ mới chỉ giải ngân hơn 45.594 tỉ đồng vốn đầu tư công, tương ứng 35,46% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân cả nước là 47,29%.
Sáng 17-10, tại TP HCM, Tổ Công tác số 3 của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tổ Công tác số 3 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dẫn đầu.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 6 địa phương trong vùng Đông Nam Bộ gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước là hơn 128.580 tỉ đồng.
Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, tổng số vốn ước giải ngân đến 30-9 của 6 địa phương trong vùng là hơn 45.594 tỉ đồng, đạt 35,46% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân cả nước là 47,29%.
Trong đó, 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước là TP HCM (hơn 16.870 tỉ đồng, đạt 21,29%), Bình Phước (hơn 1.780 tỉ đồng, đạt 32.27%) và Đồng Nai (hơn 5.840 tỉ đồng, đạt 46,77%).
3 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước là Bà Rịa – Vũng Tàu (hơn 11.000 tỉ đồng, đạt 93,75%), Tây Ninh (hơn 2.370 tỉ đồng, đạt 56,87%), Bình Dương (7.630 tỉ đồng, đạt 49.95%).
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn cho TP HCM là 79.263 tỉ đồng, thành phố đã giao vốn 100%.
Là địa phương có tỉ lệ thấp nhất Vùng Đông Nam Bộ, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi lý giải nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phân bổ vào hai kỳ. Gồm 142.557 tỉ đồng được Thủ tướng giao từ đầu kỳ và hơn 107.395 tỉ đồng được HĐND TP HCM bổ sung tăng thêm từ cuối năm 2023.
Số lượng vốn tăng hơn 100.000 tỉ nằm ở năm 2023 và đến cuối năm 2023 mới triển khai các kế hoạch chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn lớn và bố trí chậm trong trung hạn dẫn đến chuẩn bị đầu tư cũng chậm. Thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án rất mất thời gian, chỉ có dự án đường Vành đai 3 làm được nhanh, còn các dự án khác quá trình chuẩn bị đầu tư mất cả năm.
Ngoài ra, một số trường hợp chậm do phải chờ các luật sửa đổi. Đơn cử như Luật Đất đai điều chỉnh thời gian có hiệu lực đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân phần vốn bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm 2024 của thành phố là 33.000 tỉ đồng.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận trong điều hành của UBND TP HCM khi đề xuất bổ sung vốn có chậm; sự phối hợp của các sở, ngành trong giải quyết các thủ tục về chuẩn bị dự án và triển khai dự án còn rất mất thời gian.
Công tác quy hoạch, công tác đất đai cùng các thủ tục khác khi đi vào chi tiết như giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh quy hoạch 1/500, 1/2000… đều mất nhiều thời gian, có việc hàng tháng trời.
Mặt khác, nguyên nhân cũng đến từ việc điều hành của chủ đầu tư đối với các nhà thầu trong giải quyết những vấn đề như thiếu cát, thiếu nguyên liệu...
Chủ tịch UBND TP HCM cũng thông tin thêm hai ban quản lý lớn của thành phố là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị với khoảng 24.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, vừa rồi có vướng vào chỗ Công ty Thuận An.
Các lãnh đạo ban, các giám đốc của các dự án, các bộ phận như tài chính, kế hoạch đều phải trải qua thời gian dài phục vụ cho công tác điều tra nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến công tác điều hành.
Tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh, thành phố cũng nêu những khó khăn, vướng mắc khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa cao. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn của các dự án; trình tự thủ tục còn kéo dài, phức tạp, chính sách bồi thường hỗ trợ chưa phù hợp thực tế…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận sự cố gắng cũng như chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc của địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, những khó khăn, vướng mắc này mang tính "truyền thống" của các địa phương khác nhau trong cả nước. Đó là khó, vướng trong giải phóng mặt bằng khiến kéo dài thời gian thực hiện dự án; các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, vướng luật, thiếu vật liệu xây dựng…
Với mức giải ngân thấp hơn bình quân cả nước, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ cần phải đánh giá sát hơn, có giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Các địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá sát hơn nữa khó khăn vướng mắc, những gì thuộc thẩm quyền của mình phải cố gắng, quyết liệt tháo gỡ hơn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương chú trọng công tác phối hợp của các cơ quan, năng lực điều phối, trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong giai đoạn hiện nay, nhất là năng lực của các ban quản lý dự án.