Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung cầu, giá vàng hợp lý, trước diễn biến khó lường và chênh cao so với thế giới.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng 24/4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng.
"Trước mắt Ngân hàng Nhà nước xử lý để đảm bảo cung cầu, giá vàng hợp lý", Phó thủ tướng nêu.
Về lâu dài, cơ quan này cần sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để có cơ chế phù hợp, ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục đi lên, đắt hơn 1,2 triệu đồng mỗi lượng so với cuối giờ chiều qua, ở mức 84,3 triệu đồng. Mỗi lượng vàng miếng SJC hiện chênh 12-13 triệu đồng so với thế giới, giảm so với mức 18-20 triệu đồng trước đó, nhưng vẫn cao.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, sáng 24/4. Ảnh: VGP
Báo cáo trước đó tại cuộc họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết chênh lệch giá trong nước và thế giới xuất hiện gần đây chủ yếu là vàng miếng SJC. Còn nhẫn trơn biến động cùng chiều với thế giới.
Theo ông Hà, vàng không phải là mặt hàng bình ổn, nên cơ quan quản lý chủ yếu can thiệp xử lý chênh lệch về giá. "Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo sát thị trường, xử lý tình trạng chênh này", ông Hà nói.
Thực tế, chênh lệch giá kim loại quý vừa qua do mất cân đối cung cầu mặt hàng này. Từ 2012, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng để kiểm soát chặt nguồn cung, theo Nghị định 24. Nhưng suốt 11 năm, nhà điều hành không đấu thầu, tăng cung trên thị trường.
Hôm qua, phiên đấu thầu đầu tiên sau 11 năm được tổ chức, nhưng chỉ hai đơn vị trong số 11 doanh nghiệp tham gia trả giá. Họ trúng thầu 3.400 lượng, còn lại 13.400 lượng bị ế. Theo giới phân tích, diễn biến này là do nhiều doanh nghiệp ngại rủi ro khi phải chi số tiền lớn nếu mua nhưng giá kém hấp dẫn.
Ngày mai, phiên đấu thầu thứ hai được Ngân hàng Nhà nước tổ chức, với 16.800 lượng đem ra mời thầu.
Giới kinh doanh cho rằng hiệu quả đấu thầu vàng cần quan sát dài hạn. Song, cách tăng cung vàng vật chất để đảm bảo cân đối cung cầu, kéo giảm chênh lệch giá chỉ là giải pháp nhất thời. Trong bối cảnh hiện nay, cơ quan quản lý phải có giải pháp đồng bộ, gồm sớm sửa Nghị định 24.
Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ cuối tháng 3, các chuyên gia đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và cấp phép sản xuất mặt hàng này cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện.