Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ thường có biểu hiện bất thường như: Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều hơn, thèm ăn nhiều hơn...
Đái tháo đường thai kỳ hay bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao ở một số phụ nữ trong thời gian mang bầu. Bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24 – 28. Đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai cho phụ nữ mang thai.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ thường có những biểu hiện không rõ ràng. Phần lớn các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán bệnh bằng phương pháp xét nghiệm trong các buổi khám thai định kỳ.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, mẹ bầu có biểu hiện bất thường như: Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều hơn, thèm ăn nhiều hơn...
Ngoài ra, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ thường vùng kín dễ nhiễm nấm, có cảm giác ngứa ngáy. Những vết thương, vết trầy xước chậm lành hơn bình thường. Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống...
Theo Hướng dẫn quốc gia về sàng lọc và quản lý đái tháo đường thai kỳ của Bộ Y tế, những thai phụ có các yếu tố nguy cơ sau dễ mắc đái tháo đường thai kỳ:
- Thai phụ thừa cân, béo phì: Ở người thừa cân, béo phì có tình trạng kháng insulin và tăng tiết insulin gây rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể.
- Người có tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường thế hệ thứ nhất là một trong những người có nguy cơ cao bị tiểu đường thai kỳ, cao hơn 50-60% so với nhóm có tiền sử gia đình không có người mắc bệnh.
- Người có tiền sử sinh con to: Cân nặng của trẻ sơ sinh mới chào đời trên 4 kg vừa là hậu quả của đái tháo đường thai kỳ, vừa là yếu tố nguy cơ cho bà mẹ ở những lần mang thai sau.
- Người có tiền sử bất thường về dung nạp glucose: Đây là yếu tố nguy cơ cao đối với đái tháo đường thai kỳ, đa số người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose thì khi có thai đều bị đái tháo đường thai kỳ.
- Người có glucose niệu dương tính: Đây cũng là yếu tố nguy cơ cao đối với đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên có khoảng 10-15% thai phụ có tình trạng glucose niệu dương tính nhưng không có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ.
- Người có tiền sử sản khoa bất thường như: Thai lưu, con bị dị tật bẩm sinh, mẹ bị tiền sản giật, sinh non cũng có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.
Một số trường hợp khác cũng có nguy cơ mắc bệnh này như: Chủng tộc (châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc đái tháo đường cao); người bị hội chứng buồng trứng đa nang; tăng huyết áp; rối loạn lipit máu... Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy, khi phụ nữ lớn hơn 35 tuổi mang thai, nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ tăng cao hơn.
Theo các chuyên gia y tế, nếu tình trạng đái tháo đường thai kỳ được kiểm soát tốt thì thai nhi vẫn có thể phát triển khỏe mạnh. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé, bao gồm:
- Tăng nguy cơ sinh non nếu mắc tiểu đường thai kỳ
- Tăng nguy cơ sinh non nếu mắc tiểu đường thai kỳ
- Tình trạng sinh non, thai dị tật, thai to, tăng trưởng kém, sảy thai, thai lưu,..
- Mẹ bầu có nguy cơ cao bị tiền sản giật và thường phải mổ lấy thai,…
- Trẻ sinh ra từ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ bị vàng da, hạ đường huyết, suy hô hấp sau sinh,…
- Cả mẹ và bé đều có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 sau sinh.
Không có biện pháp phòng ngừa tình trạng đái tháo đường khi mang thai tuyệt đối. Nhưng nếu bạn duy trì thói quen và lối sống lành mạnh trước/trong khi mang thai, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đáng kể.
Đây là những biện pháp giúp phòng tránh hiệu quả:
- Chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe: Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt… là lựa chọn tuyệt vời.
- Vận động thường xuyên: Hãy dành 30 phút vận động hợp lý, nhẹ nhàng mỗi ngày như tưới cây, lau dọn nhà cửa, đi bộ… cũng rất tốt cho sức khỏe mẹ và thai nhi.
- Giữ cân nặng hợp lý khi có ý định mang thai: Thừa cân – béo phì tiền mang thai là căn nguyên của một loạt vấn đề sức khỏe xảy đến trong thai kỳ, chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non… Do đó, nếu bạn thừa cân và đang có kế hoạch sinh em bé, hãy giảm cân để tạo nền tảng cho một thai kỳ khỏe mạnh.
- Tránh tăng cân hơn mức khuyến nghị trong thời kỳ mang thai: Việc tăng cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, nhất là với những thai phụ thừa cân trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ cho biết mức tăng cân hợp lý dành cho bạn, tùy thuộc vào cân nặng cũng như thể trạng của bạn và thai nhi.
Nếu mắc đái tháo đường trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần được điều trị sớm để ổn định đường huyết, kiểm soát bệnh tốt, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.
- Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống khoa học:Nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày, nên ăn đa dạng thực phẩm, ưu tiên nhiều chất xơ và thực phẩm có chứa carbs như ngũ cốc, gạo lứt, yến mạch,..
- Những bữa ăn nhẹ, mẹ bầu không nên lựa chọn bánh quy hay bánh ngọt mà nên lựa chọn các loại trái cây, sữa chua, rau củ. Hạn chế ăn chất béo, những thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Tập thể dục nếu có sự cho phép của bác sĩ. Mẹ bầu chỉ nên tập những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe,…để góp phần kiểm soát đường huyết sau ăn.
- Nếu chỉ số đường huyết của mẹ bầu vẫn cao, bác sĩ có thể tính đến phương pháp điều trị đái tháo đường cho mẹ bầu bằng thuốc tiêm insulin.