Phú Thọ: Suýt mất mạng do ngộ độc thuốc trừ sâu

Mai Nguyên (th) 23/10/2022 10:34

PLBĐ - Người phụ nữ được người nhà phát hiện trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp do uống phải khoảng 300ml thuốc trừ sâu Dibacide 50EC.

Suýt mất mạng do ngộ độc thuốc trừ sâu

Theo VTV, một bệnh nhân nữ, 18 tuổi (trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) được người nhà phát hiện trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp do uống phải khoảng 300ml thuốc trừ sâu Dibacide 50EC, được đưa vào Trung tâm Y tế huyện đặt ống nội khí quản và chuyển xuống Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ.

Tại Khoa Cấp cứu, người bệnh hôn mê sâu, thở qua ống nội khí quản, tăng tiết đờm dãi nhiều, phổi có nhiều rales co thắt, đồng tử 2 bên co nhỏ 1mm, da tái lạnh, xét nghiệm có toan chuyển hóa nặng pH 6,9, suy thận.

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp ngộ độc Carbamat nặng. Ngay lập tức người bệnh được chỉ định điều trị hồi sức tích cực theo phác đồ: thở máy, rửa dạ dày, than hoạt, sorbitol, Atropin và kèm theo lọc máu hấp phụ.

Phú Thọ: Suýt mất mạng do ngộ độc thuốc trừ sâu - Ảnh 1.

Bệnh nhân được theo dõi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Sau 6h điều trị bằng các biện pháp hiện đại, tình trạng người bệnh đã cải thiện nhiều: Tỉnh hoàn toàn, đỡ tăng tiết đờm dãi, phổi hết co thắt, các chỉ số sinh tồn ổn định.

Sau điều trị 1 ngày, người bệnh được dừng thở máy và rút ống nội khí quản. Một tuần điều trị tiếp theo, tình trạng người bệnh đã ổn định hoàn toàn và được cho ra viện.

Xử trí sơ cấp cứu ngộ độc thuốc trừ sâu

Theo TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh, trường hợp nạn nhân ngộ độc nặng thuốc trừ sâu có thể bị ngừng thở, vì vậy phải khẩn trương tiến hành phương pháp hô hấp nhân tạo. Phải xem xét thật kỹ trước khi thực hiện, nếu thấy nạn nhân không uống thuốc trừ sâu nhưng bị nhiễm độc qua đường khác thì có thể hô hấp nhân tạo bằng thổi miệng.

Việc hô hấp nhân tạo cần phải thực hiện kiên trì cho đến khi cứu sống được nạn nhân. Nếu phát hiện nạn nhân có uống thuốc trừ sâu thì phương pháp hô hấp nhân tạo bằng thổi hơi qua miệng không được sử dụng vì sẽ gây nguy hiểm cho người sơ cấp cứu, trường hợp này phải hô hấp nhân tạo bằng máy thở hỗ trợ.

Nếu gặp trường hợp hóa chất thuốc trừ sâu bám dính vào vào da và mắt, cần phải rửa ngay mắt bằng một lượng nước sạch nhiều trong thời gian 5 phút. Cởi ngay quần áo thấm ướt hóa chất đang mặc trên người và chuyển ngay nạn nhân ra khỏi nơi bị nhiễm độc. Cần tắm cho nạn nhân bằng cách dội nước sạch và xà phòng trong vòng 10 phút. Nếu không có sẵn nguồn nước tại chỗ, cần lau da bằng quần áo và giấy lau để làm sạch hóa chất thuốc trừ sâu bám dính.

Cần chú ý không nên kích thích làm cho nạn nhân nôn mửa trừ khi biết đích xác nạn nhân có uống loại hóa chất thuốc trừ sâu dạng độc tính cao và chưa cho uống thuốc chống độc vội khi chưa chẩn đoán xác định được. Không nên cho nạn nhân nôn mửa khi uống phải dạng hóa chất dầu phụ hoặc các sản phẩm pha như dầu diezel, dầu hỏa vì có thể gây ra hiện tượng xông hơi của hóa chất qua chất nôn mửa và điều này có thể làm tăng độ nguy hiểm nhiễm độc nhiều hơn nhiễm độc chỉ đơn thuần qua đường tiêu hóa. Cần xem kỹ nhãn, mác của sản phẩm để đánh giá hóa chất có độ độc tính cao.

Phú Thọ: Suýt mất mạng do ngộ độc thuốc trừ sâu - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Chú ý chỉ nên kích thích cho nôn mửa nếu nạn nhân còn tỉnh táo. Cần để nạn nhân ở tư thế đứng hay ngồi và móc họng cho nạn nhân nôn mửa. Sau đó, bất kỳ nạn nhân có nôn mửa hay không nôn mửa đều cho uống than hoạt với nửa cốc nước sạch và lặp lại cho đến khi có thể cho uống thuốc chống độc được.

Nạn nhân sau khi được sơ cấp cứu cần chuyển ngay đến bệnh viện nơi gần nhất.

Xử trí, điều trị ngộ độc thuốc trừ sâu

Cũng theo TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh, khi chuyển đến bệnh viện hay cơ sở y tế, cần giữ cho nạn nhân ở tư thế nằm nghỉ vì mỗi khi bị nhiễm độc hóa chất thuốc trừ sâu loại phosphore hữu cơ hay carbamate thì thường xảy ra tình trạng xấu khi di chuyển.

Phải đặt nạn nhân nằm với tư thế đầu dốc. Nếu nạn nhân hôn mê thì đẩy mặt ngửa ra với động tác đẩy cằm ra, kéo trán vào nhằm tạo nên sự thoáng khí ở đường thở. Cần đắp chăn ấm nếu nạn nhân cảm thấy lạnh và làm mát bằng cách chườm nước lạnh nếu mồ hôi ra nhiều. Chú ý khi nạn nhân nôn mửa nên thận trọng vì họ có thể hít chất nôn mửa vào đường hô hấp. Khi nạn nhân có hiện tượng co giật nên dùng vật cản đệm vào răng để phòng chấn thương miệng, lưỡi. Không cho phép nạn nhân hút thuốc và uống rượu trong thời gian điều trị. Không cho nạn nhân uống sữa, chỉ cho uống nước sạch, nước đun sôi để nguội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phú Thọ: Suýt mất mạng do ngộ độc thuốc trừ sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO