Phương pháp điều trị và phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ

Mai Nguyên 23/09/2022 15:16

PLBĐ - Với các trường hợp thoái hóa nhẹ, không có biểu hiện chèn ép bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa với các thuốc giảm đau, chống viêm kết hợp đeo nẹp cổ và tập phục hồi chức năng. Khi bệnh nhân bị chèn ép tủy cổ rõ ràng, gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt sẽ điều trị bằng cách phẫu thuật.

Triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ

Theo BS. Nguyễn Văn Luật, thoái hóa đốt sống cổ là quá trình bệnh lý ở các đốt sống cổ, bắt đầu bằng những hiện tượng hư khớp ở các diện thân đốt, đĩa liên đốt tới các màng, dây chằng, dần dần về sau xuất hiện hiện tượng thoái hóa các đốt sống, gây đau vùng cổ, nhất là khi vận động vùng cổ.

Triệu chứng thường gặp là người bệnh có các cảm giác đau, mỏi, nhức khó vận động vùng cổ. Hầu hết các bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ và cột sống lưng luôn có cảm giác đau buốt khó chịu, khó chịu ngay cả khi nghỉ ngơi, mọi cử động đều gây nên đau đớn. Các động tác cổ bị vướng và đau thậm chí có thể thỉnh thoảng bị vẹo cổ.

Cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, ảnh hưởng tới tư thế đầu cổ, "tư thế vẹo cổ", tư thế sái cổ, đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay ở cả hai bên.

Phương pháp điều trị và phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ - Ảnh 1.

Triệu chứng thường gặp của bệnh là người bệnh có các cảm giác đau, mỏi, nhức khó vận động vùng cổ.

Khi vận động cổ thì bị đau, cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ, đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả hai bên. Trong một số ít những trường hợp, mất cảm giác khéo léo của tay, đôi khi cánh tay và bàn tay có thể bị tê liệt.

Có trường hợp bệnh nhân khi gặp không khí lạnh tràn về (trở trời) kết hợp với một tư thế nằm không thuận lợi ban đêm có thể gây cứng cổ sáng hôm sau. Người bị cứng cổ không tự đi được và rất sợ những cơn ho, hắt hơi. Có người đau ê ẩm vùng gáy hoặc cả mảng đầu sau, rồi lan sang mảng đầu bên phải. Một số khác đau liên tục, không quay đầu sang trái hay sang phải được mà phải xoay cả người...

Chẩn đoán bệnh

BS. Nguyễn Văn Luật cho biết, để chuẩn đoán bệnh, bệnh nhân đau mỏi kiểu cơ học, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, nhiều triệu chứng hạn chế vận động cột sống cổ: khó cúi, ngửa, nghiêng, quay cổ còn có kèm tiếng lắc rắc khi vận động cột sống.

Thoái hóa cột sống cổ có thể không có triệu chứng mà chỉ có hình ảnh trên Xquang. Chụp Xquang thấy có hình ảnh tam chứng của thoái hóa: hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn và mọc gai xương (mỏ xương).

Bệnh biểu hiện dưới dạng thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa đốt sống (cảm giác gai xương)... làm biến dạng cột sống cổ, mất đường cong sinh lý cột sống cổ, khớp đốt sống cổ cứng lại, hạn chế vận động. Khi vận động đầu cổ, gai xương này kích thích, chèn ép vào rễ thần kinh gây đau. Bệnh có thể diễn ra ở đĩa đệm. Đĩa đệm bị thoái hóa, lồi ra bên ngoài vị trí ban đầu hoặc thoái vị về một phía chèn ép vào rễ thần kinh gây đau và hạn chế vận động, đặc biệt trong các tư thế cúi, ngửa.

Khi mắc bệnh, các cử động ở cổ bị hạn chế, có thể có cảm giác khó quay đầu, cứng gáy, có điểm đau khi ấn vào các gai xương, các mỏm ngang của cột sống cổ. Chụp X quang cột sống cổ thấy mất đường cong sinh lý, hẹp đĩa liên đốt, biến dạng ở thân đốt và thấy có các gai xương.

Khi khám chỉ thấy các cử động ở cổ bị hạn chế nặng, bệnh nhân có thể cảm giác cứng gáy, có điểm đau khi ấn vào các gai xương và các mỏm ngang của cột sống cổ, chụp X-quang cột sống cổ thấy mất đường cong sinh lý, hẹp đĩa liên đốt, biến dạng ở thân đốt, có các gai xương.

Ngoài ra, với chứng thoái hóa đốt sống cổ ở cao (đoạn C1- C2 - C4), người bệnh còn có triệu chứng nấc, ngáp, chóng mặt.

Điều trị và phòng ngừa

Theo BS. Nguyễn Hoàng Lan, với các trường hợp thoái hóa nhẹ, không có biểu hiện chèn ép bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa với các thuốc giảm đau, chống viêm kết hợp đeo nẹp cổ và tập phục hồi chức năng.

Điều trị phẫu thuật được đặt ra khi bệnh nhân bị chèn ép tủy cổ rõ ràng, gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt. Chỉ định điều trị phẫu thuật phải rất chặt chẽ khi có sự chẩn đoán giữa lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh. Mục đích của phẫu thuật là giải chèn ép tủy cổ, phục hồi chức năng thần kinh.

Phương pháp điều trị và phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Để phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh, người bệnh nên thực hiện:

Nên chú ý phân bổ thời gian làm việc hợp lý, nghỉ ngơi để giảm căng thẳng cho vùng cột sống cổ. Sau khi làm việc lâu, nên dành thời gian xoa bóp và chăm sóc vùng vai gáy cổ.

Không nên ngồi máy tính quá lâu và nên đứng lên đi lại, vươn vai giúp thư giãn

Điều chỉnh các thiết bị tại nơi làm việc phù hợp và cân đối. Nên chú ý đặt màn hình đúng khoảng cách, tránh để màn hình quá cao hoặc quá thấp so với tầm mắt.

Thường xuyên tập thể dục, vận động xương khớp bằng các bài tập nhẹ nhàng

Bổ sung dinh dưỡng với thực phẩm giàu canxi như: tôm, cua, ốc; các loại rau, hoa quả chứa nhiều dưỡng chất. nên đưa các loại vitamin nhóm B vào bữa ăn hàng ngày để giúp xương chắc khỏe

Một số bài tập thể dục tốt cho người thoái hóa đốt sống cổ

Bài tập gập cổ

Bài tập này giúp bệnh nhân kéo giãn và làm thẳng các khớp vùng cổ, hỗ trợ giảm đau và việc cử động cổ được linh hoạt hơn:

Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai với mười ngón tay đan vào nhau, lòng bàn tay hướng lên trên ép chặt trước bụng, cổ gập về phía trước.

Giữ cho cằm chạm vào ngực. Sau đó, lật lòng bàn tay úp xuống dưới, hai tay duỗi thẳng, ngửa đầu ra sau khoảng 3 - 5 giây.

Bạn nên kiên trì thực hiện bài tập này mỗi ngày từ 3 - 5 lần để thấy hiệu quả.

Bài tập xoay cổ

Luyện tập thường xuyên bài tập này sẽ giúp người bệnh cải thiện rõ rệt các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.

Ngồi tư thế thư giãn, từ từ cúi thấp cổ, cố gắng đến khi cổ chạm cằm và giữ lưng thẳng.

Nghiêng cổ sang trái gập vào bả vai trái, nghiêng cổ sang phải gập vào bả vai phải, sau đó ngửa cổ ra sau, mắt hướng lên trần nhà.

Thực hiện lại mỗi động tác khoảng 2 lần, giữ trong vòng 5 giây đối với mỗi tư thế và dừng lại khi cảm thấy căng cơ cổ.

Bài tập Yoga hỗ trợ chữa thoái hóa cột sống cổ

Để thực hiện được tư thế yoga này, bạn hãy làm trình tự theo các bước sau:

Nằm úp xuống sàn hoặc thảm yoga, hai tay đặt ngang vai và chống tay xuống thảm/sàn.

Hít vào sâu, nâng phần trên cơ thể lên bằng lực của tay, sau đó ngửa cổ ra sau, khuỷu tay cũng hướng ra sau, vai mở rộng.

Siết cơ đùi và bụng, cố gắng giữ thẳng cột sống và hai chân chạm mặt sàn.

Hít thở đều và giữ tư thế này trong khoảng 30 - 60 giây.

Cuối cùng, hãy thả lỏng cơ thể, thở ra và từ từ hạ người xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phương pháp điều trị và phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO