Quản lý phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

08/10/2024 16:15

Bài viết sau có nội dung về quản lý phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trong Công văn 4515/TCHQ-GSQL năm 2024.

Quản lý phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Quản lý phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Hình từ Internet)

Ngày 23/9/2024, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 4515/TCHQ-GSQL quản lý phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Quản lý phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

Theo đó, việc quản lý phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được Tổng cục Hải quan hướng dẫn trong Công văn 4515/TCHQ-GSQL năm 2024 như sau:

(1) Theo tập quán thương mại quốc tế (Incoterms 2020), đối với hàng hóa giao nhận qua cửa khẩu biên giới đất liền khi điểm giao hàng nằm trên biên giới đất liền, người bán và người mua có thể thỏa thuận sử dụng điều kiện giao nhận DAF (Delivered At Frontier - Giao tại biên giới) hoặc DAP (Delivery At Place: giao hàng tại nơi đến), cụ thể:

- DAF (Delivered At Frontier - Giao tại biên giới)

Giao hàng tại biên giới nghĩa là người bán giao hàng khi hàng đã được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện chở hàng, cụ thể hàng hóa đã đến nơi giao hàng nhưng chưa dỡ hàng từ trên phương tiện vận tải xuống; hàng hóa đã được thông quan xuất khẩu nhưng chưa thông quan nhập khẩu, hàng hóa có thể được giao tại địa điểm cụ thể tại khu vực biên giới nước xuất, nhưng chưa qua đường biên giới nước nhập.

- DAP (Delivery At Place: giao hàng tại nơi đến):

Giao hàng tại nơi đến có nghĩa là người bán giao hàng khi hàng hóa được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải và sẵn sàng để dỡ tại nơi đến quy định. Người bán chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng hóa đến nơi quy định. Nếu trong hợp đồng chuyên chở mà người bán đã ký kết có bao gồm chi phí dỡ hàng tại nơi đến chỉ định thì người bán sẽ phải chi trả cho chi phí này, trừ khi hai bên đã có thỏa thuận trước về việc người bán sẽ được người mua hoàn trả chi phí này. Điều kiện DAP yêu cầu người bán phải thông quan xuất khẩu cho hàng hóa, nếu cần. Tuy nhiên người bán không có nghĩa vụ phải thông quan nhập khẩu, không phải trả thuế nhập khẩu hoặc chi phí làm thủ tục thông quan nhập khẩu.

Như vậy, điều kiện giao hàng được hai bên Mua và Bán thỏa thuận và thực hiện cụ thể trên hợp đồng được ký kết, tùy từng điều kiện giao hàng mà trách nhiệm vận chuyển hàng hóa thuộc về người bên Mua hoặc bên Bán.

(2) Quy định tại Hiệp định, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ ... Việt Nam - Trung Quốc và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam- Trung Quốc:

Theo quy định tại Điều 1 Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc thì việc vận chuyển hàng hóa và hành khách qua lại giữa hai nước theo đường bộ qua các cửa khẩu biên giới đã được mở và được hai bên thỏa thuận; việc vận chuyển này do các doanh nghiệp vận tải hai nước được phép thành lập và được phép thực hiện bằng phương tiện vận tải đường bộ đã được đăng ký tại Việt Nam hoặc Trung Quốc

- Tại Điều 3 Nghị định thư sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc quy định: Việc vận chuyển bao gồm cả vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa định kỳ cũng như không định kỳ giữa hai nước. Những doanh nghiệp của hai nước có khả năng vận chuyển đường bộ quốc tế, trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, cùng với đối tác của Bên ký kết kia khai thác, kinh doanh vận tải. Các vấn đề cụ thể như hình thức tổ chức vận tải, tuyến đường, cước phí v.v. trước khi thực hiện phải được cơ quan có thẩm quyền (Bộ Giao thông vận tải) của hai bên chấp thuận.

- Điều 10 Hiệp định vận tải Việt Nam - Trung Quốc quy định: Những vấn đề cụ thể liên quan đến việc kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách nói trong Hiệp định vận tải Việt Nam - Trung Quốc sẽ do các tổ chức, doanh nghiệp của hai Bên ký kết, trực tiếp thương lượng và giải quyết.

- Việc cấp phép Giấy phép vận tải đối với phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa được thực hiện theo Điều 5 Nghị định thư hướng dẫn thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc và không quy định chi tiết việc phương tiện vận tải chở hàng hóa hay hành khách thực hiện một chiều chở hàng hóa hoặc chở khách, mà do nhu cầu kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải của hai Bên thống nhất, thỏa thuận thông qua hợp đồng ký kết.

(3) Công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đường bộ: Hiện nay, hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; theo đó, các phương tiện khi xuất cảnh, nhập cảnh hoặc qua lại khu vực cửa khẩu biên giới để giao nhận hàng hóa (không phân biệt phương tiện giao nhận hàng hóa 1 chiều hay 2 chiều); hàng hóa vận chuyển trên phương tiện đều được thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật Hải quan.

(4) Ý kiến của Bộ Giao thông vận tải: Tại Công văn 5693/CĐBVN-QLVTPT&NL năm 2024 của Cục Đường bộ - Bộ Giao thông vận tải đã có ý kiến: Hiệp định, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định và Nghị định thư thực hiện vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc không có quy định cấm phương tiện chở hàng hóa hai chiều cũng như phương tiện thùng rỗng của nước này sang nước kia chở hàng về nước mình.

Để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, Cục Đường bộ đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn trao đổi, thống nhất với phía Trung Quốc để hai Bên cùng cho phép phương tiện chở hàng hóa hai chiều cũng như phương tiện thùng rỗng của nhau sang bên kia hoạt động vận tải

(5) Việc dừng thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa hai chiều, chỉ cho xe chở hàng xuất sang Trung Quốc và xe không về như nội dung thông báo của UBND tỉnh Lạng Sơn tại các văn bản nêu trên sẽ ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa, phương tiện vận tải tải cửa khẩu, gây ùn tắc tại cửa khẩu do hàng ngày có một số lượng lớn xe không chở hàng về.

Đồng thời, việc dừng áp dụng phương thức giao nhận này sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam (tăng chi phí do không được chở hàng hai chiều) chưa phù hợp với của Hiệp định và Nghị định thư hướng dẫn Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc cũng như các Điều ước quốc tế khác làm ảnh hưởng đến hoạt động thông quan cửa khẩu và quan hệ ngoại giao của hai nước.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động giao nhận hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo tuân thủ đúng Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc, theo quan điểm của Tổng cục Hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu được quyền lựa chọn phương thức giao nhận phù hợp và thuận lợi cho hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét cho phép tiếp tục thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa hai chiều như đã thực hiện trong thời gian vừa qua.

Trường hợp vướng mắc, chưa thống nhất về cách thức triển khai thực hiện, đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn trao đổi, xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Hiệp định và thỏa thuận giữa hai Bên để thống nhất khi triển khai thực hiện, tránh để phía Trung Quốc có phản ứng, áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ ảnh hưởng đến việc giao nhận hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Xem thêm Công văn 4515/TCHQ-GSQL ban hành ngày 23/9/2024.