Bị bóp chiết khấu, doanh nghiệp xăng dầu lại kiến nghị

Theo Phạm Tuyên 09/10/2024 07:43

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chiết khấu đột ngột giảm xuống còn 0 - 50 đồng/lít từ chiều 7/10, khiến doanh nghiệp bị lỗ từ 1.000 - 1.200 đồng/lít xăng, dầu bán ra. Doanh nghiệp cho biết, đã tập hợp ý kiến để gửi Thủ tướng nhằm gỡ khó cho thị trường xăng dầu.

Chiều 7/10, chia sẻ với PV Tiền Phong , giám đốc một doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu lớn ở phía Nam cho biết, tình trạng bóp chiết khấu đã xuất hiện ngay sau khi Bộ Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu chiều 3/10. Tại kho Nhà Bè, chiết khấu được các doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam áp dụng chỉ còn 600 - 650 đồng/lít. Nếu trừ chi phí vận chuyển, với mức chiết khấu này, doanh nghiệp bị lỗ bình quân từ 550 - 700 đồng/lít xăng, dầu bán ra.

Bị bóp chiết khấu, doanh nghiệp xăng dầu lại kiến nghị- Ảnh 1.
Doanh nghiệp xăng dầu lo bị lỗ kéo dài. Ảnh: Như Ý

Tình trạng bóp chiết khấu mạnh và bán ra hạn chế cũng được các đầu mối áp dụng ở khu vực phía Bắc trong ngày 6/10. Cụ thể, mức chiết khấu với dầu DO 0,05 chỉ còn 400 đồng/lít nếu lấy ở các kho K99, Nam Vinh, Hoàng Huy. Mức chiết khấu cho xăng RON 95 cũng xuống rất thấp, chỉ còn 350 - 400 đồng/lít nếu lấy ở các kho trên. Riêng với xăng E5 RON 92, chiết khấu chỉ còn 300 đồng/lít nếu lấy ở kho Petec, Đình Vũ (Hải Phòng).

Giám đốc doanh nghiệp xăng dầu ở Tây Nguyên cho biết, sáng ngày 7/10, mức chiết khấu được các đầu mối chào hàng lấy từ kho Petrolimex Nhà Bè và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ còn 300 - 450 đồng/lít. Sau khi trừ chi phí, mỗi lít xăng dầu bán ra, doanh nghiệp bị lỗ khoảng 700 - 850 đồng.

Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở TPHCM cho biết, do hết xăng để bán, sáng 7/10 công ty phải nhập xăng về bán với mức chiết khấu cắt chỉ còn 300 đồng với điều kiện doanh nghiệp phải trả tiền tươi, không được thiếu 1 đồng. Đến chiều cùng ngày, đầu mối báo cắt tiếp chiết khấu, giảm xuống còn 100 đồng/lít. Một số kho lớn, mức chiết khấu chỉ còn 0 - 50 đồng/lít.

“Toàn bộ lô hàng công ty tôi nhập về hôm thứ Năm tuần trước bị lỗ nặng. Doanh nghiệp đã phải chấp nhận lỗ 70 triệu đồng ngay trong ngày điều chỉnh giá 3/10 vừa qua...”, vị giám đốc DN nói.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Hoàng Trung Dũng, đại diện được uỷ quyền của nhóm Thương nhân phân phối và bán lẻ cho biết, đã tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành để gửi tới Thủ tướng những vấn đề bất cập của thị trường xăng dầu hiện nay. Theo ông Dũng, để thị trường ổn định, nhất thiết phải lập sàn giao dịch xăng dầu. Khi đó chi phí của doanh nghiệp sẽ được minh bạch, không còn cảnh đầu mối nhập hàng từ Trung Đông với giá thấp nhưng được hưởng lợi từ việc cơ quan quản lý cho áp dụng tính giá Platt Singapore để tính giá xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, thị trường xăng dầu hiện còn mang tính độc quyền, thiếu cạnh tranh khi có doanh nghiệp lớn nhất chiếm đến 51% thị phần nhưng không bị chia tách theo Luật Cạnh tranh.

Theo Phạm Tuyên