Bộ trưởng Phan Văn Giang: Giải quyết tốt chính sách cho người lao động sau sáp nhập doanh nghiệp Quân đội
Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, cần làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, giải quyết tốt các chế độ chính sách cho người lao động sau sáp nhập, điều chỉnh, giải thể doanh nghiệp Quân đội.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì làm việc với các cơ quan về triển khai thực hiện Đề án sắp xếp lại doanh nghiệp Quân đội giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, báo cáo công tác triển khai Đề án sắp xếp lại doanh nghiệp Quân đội giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Đề án).
Theo đó, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 66/QĐ-TTg ngày 21-6-2024 với mục tiêu sắp xếp lại các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phần theo hướng sáp nhập một số doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp cổ phần, tiếp tục giải thể, triển khai giải thể một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thuộc các đầu mối đơn vị.
Thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã giao Cục Kinh tế chủ trì, phối hợp với Cục Quân lực và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Kế hoạch của Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Đề án gửi xin ý kiến cơ quan, đơn vị và tổ chức hội nghị thống nhất.
Quá trình thực hiện, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung do điều kiện khách quan không thực hiện được, Bộ Quốc phòng chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cùng với báo cáo của Bộ Tổng Tham mưu, tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị đã có những báo cáo, giải trình cụ thể, tiếp tục kiến nghị, đề xuất một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm tốt tiến độ triển khai thực hiện Đề án, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động.
Đề xuất phương án mô hình hoạt động cụ thể của các doanh nghiệp sau khi sáp nhập, điều chỉnh
Qua nghe báo cáo trung tâm và ý kiến giải trình, bổ sung của đại diện các cơ quan, đơn vị, phát biểu kết luận buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang biểu dương Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan, đơn vị liên quan đã chủ động phối hợp, triển khai Đề án bảo đảm tiến độ, phù hợp, sát thực tế.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo triển khai Đề án và kiến nghị, đề xuất bổ sung của các đơn vị; yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình tại các doanh nghiệp liên quan; báo cáo đề xuất triển khai thực hiện Đề án bảo đảm bài bản, thận trọng, chặt chẽ.
Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Đề án ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức, biên chế của các đơn vị, tư tưởng, tình cảm của đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần phải nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp, sát thực tế. Đồng thời, làm tốt công tác nắm bắt tư tưởng, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, giải quyết tốt các chế độ chính sách cho người lao động sau sáp nhập, điều chỉnh, giải thể doanh nghiệp.
Bộ trưởng Phan Văn Giang yêu cầu, các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án mô hình hoạt động cụ thể của các doanh nghiệp sau khi sáp nhập, điều chỉnh, bảo đảm phù hợp điều kiện đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Cùng với đó, phối hợp nghiên cứu xây dựng pháp lệnh về hoạt động kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế trong Quân đội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành, tạo cơ sở pháp lý và sự thống nhất trong hoạt động của doanh nghiệp Quân đội.