Quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý mới nhất
Bài viết sau có nội dung về quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý mới nhất được quy định trong Nghị định 116/2024/NĐ-CP.
Quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý mới nhất (Hình từ Internet)
1. Quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý mới nhất
Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP (bổ sung khoản 43 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP) thì quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện như sau:
- Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý quy định tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP (bổ sung khoản 43 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP), trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ có trách nhiệm trao đổi với công chức và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề xuất; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.
Tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị và thường vụ cấp ủy cùng cấp phải thảo luận, xác định rõ căn cứ miễn nhiệm theo đề xuất của cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ trước khi biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm đối với công chức phải đạt trên 50% tập thể lãnh đạo, thường vụ cấp ủy cùng cấp đồng ý; trường hợp đạt 50% trở xuống thì do người đứng đầu quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Lưu ý, sau khi công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm, cấp có thẩm quyền xem xét bố trí công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; công chức có trách nhiệm chấp hành quyết định phân công của cấp có thẩm quyền. Trường hợp công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong 02 năm liên tiếp thì cấp có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật. (Theo khoản 3 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP (bổ sung khoản 43 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP)
2. Công chức là gì? Việc từ chức hoặc miễn nhiệm đối với công chức được thực hiện như thế nào?
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. (Theo khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2020)
Ngoài ra, việc từ chức hoặc miễn nhiệm đối với công chức được quy định cụ thể tại Điều 54 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau:
- Công chức lãnh đạo, quản lý có thể từ chức hoặc miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:
+ Không đủ sức khỏe;
+ Không đủ năng lực, uy tín;
+ Theo yêu cầu nhiệm vụ;
+ Vì lý do khác.
- Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc.
- Công chức lãnh đạo, quản lý xin từ chức hoặc miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc từ chức hoặc miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.