Vụ trưởng Vụ Thanh toán: Từ 1/1/2025, tài khoản chưa thu thập thông tin sinh trắc học chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy
Từ 1/1/2025, tất cả những tài khoản mà chưa được ngân hàng, chưa được các trung gian thanh toán thu thập thông tin sinh trắc học để kiểm tra đảm bảo chính chủ thì những khách hàng này sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy.
Đó là chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước tại Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" diễn ra ở Hà Nội mới đây.
Trước đó, theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1/7, khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc trị giá trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học, tức bắt buộc phải kiểm tra khuôn mặt của người giao dịch với khuôn mặt chủ tài khoản khi mở tài khoản. Các giải pháp này giúp xác thực khách hàng và hạn chế việc sử dụng tài khoản không chính chủ, phòng ngừa việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mục tiêu của giải pháp này hướng tới giảm các vụ lừa đảo tài chính.
Đại diện NHNN dẫn theo nhiều số liệu đáng chú ý sau thời gian thực hiện Quyết định 2345. Cụ thể, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng năm 2024. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không có phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.
Sau 2 tháng triển khai Quyết định 2345, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có khoảng 37,4 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), riêng trong tháng 7 và tháng 8, trung bình một ngày có khoảng 25 triệu giao dịch; trong đó có khoảng 1,6 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng. Theo đó, hoạt động thanh toán vẫn diễn ra bình thường. Mặc dù số lượng giao dịch trung bình hàng ngày không thay đổi đáng kể so với thời điểm trước ngày 1/7/2024 nhưng sự giảm mạnh về số vụ lừa đảo cho thấy quy định mới đã có tác động tích cực đáng kể.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định: "Số vụ việc gian lận, lừa đảo mất tiền và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể, sau khi quy định về xác thực sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng trực tuyến chính thức được áp dụng".
Nhằm tăng cường hiệu quả của biện pháp này, ông Tuấn tiếp tục kêu gọi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các trung gian thanh toán đẩy mạnh thu thập dữ liệu sinh trắc học và đối chiếu với dữ liệu từ thẻ căn cước công dân gắn chip.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, từ 1/1/2025, tất cả những tài khoản mà chưa được ngân hàng, chưa được các trung gian thanh toán thu thập thông tin sinh trắc học để kiểm tra đảm bảo chính chủ thì những khách hàng này sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy.
Theo ông Tuấn, đây là điều kiện để đăng ký sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, không phải mọi giao dịch đều phải kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học. Giá trị các giao dịch được kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học tiếp tục được thực hiện theo Quyết định 2345.
Đáng chú ý, dự kiến trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư thay thế Thông tư 35/2016/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet. Đại diện NHNN nhấn mạnh, thông tư này ban hành sẽ nâng tầm pháp lý để tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật," đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo, Thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, Cục Cảnh sát về quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết, về ứng dụng với Ngân hàng Nhà nước, từ nền tảng kho dữ liệu dân cư, kho dữ liệu căn cước, đặc biệt trong kho dữ liệu căn cước, C06 sử dụng 3 dữ liệu sinh trắc học mống mắt, vân tay, khuôn mặt.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh: "Có thể nói, sau khi triển khai xác thực sinh trắc học, tỷ lệ lừa đảo ngân hàng trên môi trường số đã giảm 70%".