Mẹ Việt ở Phần Lan vượt qua trầm cảm sau sinh nhờ đi rừng
Mỗi lần vào rừng hái trái cây, Vũ Thị Thúy thấy nguôi ngoai nỗi nhớ núi rừng Tây Nguyên, đó không chỉ là sở thích mà còn là 'liều thuốc' giúp cô vượt qua giai đoạn trầm cảm sau sinh.
Vũ Thị Thúy, 31 tuổi, kết hôn và theo chồng Jyri Tapio sang Phần Lan định cư năm 2019. Hiện cô có hai con nhỏ 4 tuổi và hai tuổi, gia đình sống tại thành phố Vantaa, giáp thủ đô Helsiki - thành phố có tỷ lệ người Việt sinh sống lớn thứ hai ở Phần Lan.
Nhớ lại thời gian mới kết hôn, Thúy cho biết mọi thứ với cô đều thuận lợi. Cô giao tiếp với nhà chồng bằng tiếng Anh. Ông xã đăng ký cho cô một khóa học tiếng Phần Lan và tận tình hỗ trợ, từ việc đưa đón đến các bài tập trên lớp. Mùa đông ở Phần Lan rất khắc nghiệt nhưng Jyri luôn khuyến khích Thúy ra ngoài, tránh việc ở nhà quá lâu có thể khiến vợ chán nản, nhớ quê hương. Mẹ và em chồng cũng quan tâm, thường đưa cô đi chợ châu Á và đến nhà bạn bè. "Mỗi lần ra ngoài, mẹ chồng đều chuẩn bị đầy đủ áo ấm và bao tay cho tôi", Thúy cho biết.
Tuy nhiên cuối năm 2020, sau khi sinh bé đầu, Thúy bị trầm cảm. Theo cô, vì bản thân bí bách do phải ở nhà nhiều, ít bạn bè, lâu ngày không ra ngoài khiến cô cảm thấy mình mất khả năng giao tiếp xã hội.
Vốn xuất thân trong gia đình làm nông ở Đắk Lắk, Thúy nói cô thích lao động, đặc biệt là công việc gần gũi thiên nhiên. Từ sở thích đó, cô gái Việt bắt đầu dành thời gian vào rừng hái trái cây để "chữa lành" tâm hồn, hy vọng vượt qua chứng trầm cảm sau sinh. Thúy nói thời điểm ấy đi rừng là niềm vui duy nhất của cô. "Đó không chỉ là sở thích, nó giúp tôi nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân. Mỗi lần vào rừng, tôi tìm thấy sự bình yên, giải tỏa những áp lực nuôi con đè nặng trên vai", Thúy bày tỏ.
Chỉ sau vài tháng, chồng Thúy nhận thấy sự thay đổi tích cực từ vợ, ủng hộ sở thích của Thúy, anh tạo điều kiện hết mức cho cô duy trì đam mê. Thúy kể sau khi tan làm, ông xã về trông con để cô vào rừng. "Khu rừng cách nhà tôi khoảng 5-10 km và chỉ có thể đi rừng vào mùa hè, mùa thu. Buổi tối mùa hè ở Phần Lan vẫn sáng, nên tôi thường vào rừng từ 17h đến 19h", bà mẹ 31 tuổi nói.
Không chỉ đi khám phá, trải nghiệm, bà mẹ hai con còn quay lại hành trình và chia sẻ trên kênh YouTube cá nhân để lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.
Những video đầu tiên của cô ghi lại quá trình vào rừng hái việt quất. Dù chỉ có vài trăm lượt xem, những bình luận tích cực của khán giả dần giúp cô cảm thấy "mình không cô đơn". Cô có thêm động lực để vượt qua trầm cảm sau sinh và sản xuất thêm nhiều video về cuộc sống ở Phần Lan. Dần dần, Thúy tập trung đầu tư, đa dạng nội dung như: vào rừng hái việt quất, nho, mận, nấm... Nhiều video nhận về hàng trăm nghìn lượt xem.
Sau mỗi chuyến đi rừng, trái cây thu hoạch được Thúy thường dùng để làm mứt, bánh, làm siro ăn dần. Cô cho biết những loại quả mọng nguyên chất như việt quất, dâu rừng... rất giàu vitamin, tăng sức đề kháng để cả gia đình trải qua mùa đông khắc nghiệt. Với các loại nấm, Thùy thường hái biếu bố mẹ chồng hoặc tặng bạn bè. Thỉnh thoảng, Thúy vào rừng thu hoạch trái cây đem bán. Cô ước chừng mỗi xô việt quất rừng bán được khoảng một triệu đồng. Tuy nhiên, công việc này không mang lại nguồn thu nhập chính mà chỉ là việc làm thêm khi rảnh rỗi.
Ngoài ra, gia đình chồng Thúy có một căn nhà gỗ trong rừng cách xa trung tâm thành phố, họ thường đến đó vào kỳ nghỉ hè và ở lại vài ngày. Ban đầu, Jyri và bố mẹ anh không mấy hứng thú nhưng thấy Thúy thích đi rừng, mọi người đều tham gia cùng cô.
Thúy cho biết trải nghiệm đi rừng mang lại rất nhiều lợi ích cho các con. "Việc đưa con vào rừng hái trái, đi bộ giúp các bé tăng cường phát triển thể chất, nâng cao hệ miễn dịch nhờ tiếp xúc với không khí trong lành. Hoạt động khám phá phân biệt loại nấm, giúp con rèn luyện khả năng quan sát và tư duy, kỹ năng giải quyết các vấn đề. Quan trọng hơn cả, các con có thể kết nối với thiên nhiên, học cách yêu và bảo vệ môi trường", Vũ Thị Thúy cho biết.
Là người con Tây Nguyên, mỗi lần vào rừng, Thúy như được sống lại những ngày tháng ở quê hương. Cô vui và tự hào khi truyền cảm hứng đến nhiều khán giả có cùng hoàn cảnh xa quê như mình.
Phạm Linh