Hướng dẫn kiểm dịch đối với hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới

09/10/2024 21:00

Bài viết sau có nội dung về kiểm dịch đối với hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới được quy định trong Nghị định 14/2018/NĐ-CP.

Hướng dẫn kiểm dịch đối với hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới

Hướng dẫn kiểm dịch đối với hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn kiểm dịch đối với hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới

Theo quy định cụ thể tại Điều 19 Nghị định 14/2018/NĐ-CP thì việc kiểm dịch đối với hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới được thực hiện như sau:

- Hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới thuộc đối tượng phải kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật, thủy sản theo quy định của pháp luật về kiểm dịch y tế, kiểm dịch động vật, thực vật, thủy sản.

- Hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới phải kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm.

- Khi hàng hóa được nhập khẩu từ nước có chung biên giới đưa vào chợ biên giới phải thực hiện kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa xuất khẩu từ chợ biên giới sang nước có chung biên giới thực hiện kiểm dịch theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Hàng hóa được mua bán, trao đổi tại chợ biên giới được quy định cụ thể tại Điều 18 Nghị định 14/2018/NĐ-CP như sau:

- Hàng hóa được mua bán, trao đổi tại chợ biên giới phải là hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam theo các quy định của pháp luật.

- Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới để kinh doanh tại chợ biên giới phải tuân thủ các quy định của Nghị định 14/2018/NĐ-CP.

2. Quy định về quản lý ngoại thương với các nước có chung biên giới

Việc quản lý ngoại thương với các nước có chung biên giới được quy định cụ thể tại Điều 53 Luật Quản lý ngoại thương 2017 như sau:

- Hoạt động ngoại thương với nước có chung biên giới với Việt Nam tại khu vực biên giới (sau đây gọi là hoạt động thương mại biên giới) được áp dụng các biện pháp quản lý đặc thù sau đây:

+ Quy định về hàng hóa, số lượng hàng hóa, định mức miễn thuế, địa điểm và phương thức đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới;

+ Quy định về hàng hóa, địa điểm, phương thức và hoạt động hỗ trợ đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân đã được thỏa thuận trong điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có chung biên giới.

- Các nguyên tắc trong quản lý hoạt động thương mại biên giới bao gồm:

+ Nhà nước tăng cường hỗ trợ và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp nơi có biên giới trong việc tổ chức, quản lý hoạt động thương mại biên giới nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của thương nhân, cư dân biên giới;

+ Người, phương tiện, hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

+ Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Các hoạt động thương mại biên giới được hưởng một số chính sách quản lý đặc thù về địa bàn, hàng hóa, phí, lệ phí, phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về thuế, phí, lệ phí đối với hàng hóa mua bán, trao đổi tại chợ biên giới

Thương nhân, tổ chức, hộ kinh doanh và cá nhân có đăng ký kinh doanh trong chợ biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về thuế, phí, lệ phí: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí môn bài và các loại thuế, phí khác (nếu có). (Theo Điều 21 Nghị định 14/2018/NĐ-CP)