Dự án nào phải đánh giá khả năng chịu tải của môi trường?
Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không bắt buộc đánh giá sự phù hợp của dự án, cơ sở đối với khả năng chịu tải của môi trường đối với khu vực/lưu vực sông chưa được cấp có thẩm quyền công bố/ban hành.
Đơn vị của ông Đinh Ngọc Quân (Sơn La) đang triển khai lập giấy phép môi trường cho các dự án đầu tư xây dựng và cơ sở đã đi vào hoạt động. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường 2020 về căn cứ cấp giấy phép môi trường:
"a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này;
b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định (nếu có);
c) Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm e Khoản này;
d) Quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
đ) Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Tại thời điểm cấp giấy phép môi trường, trường hợp Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện căn cứ vào các điểm a, b, d và đ Khoản này".
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020:
"2. Nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của môi trường nước mặt. Không phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường cho dự án đầu tư mới có hoạt động xả nước thải trực tiếp vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp chủ dự án đầu tư có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào môi trường tiếp nhận hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng để không làm phát sinh thêm nước thải hoặc trường hợp dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi, cải thiện chất lượng môi trường khu vực bị ô nhiễm".
Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ thì tại các mẫu báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường tại Mục 2 Chương II có nêu "2. Sự phù hợp của cơ sở đối với khả năng chịu tải của môi trường (nếu có)".
Như vậy, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong quá trình lập hồ sơ cấp phép môi trường, chủ dự án phải đánh giá sự phù hợp của dự án hoặc cơ sở với khả năng chịu tải của môi trường theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại thời điểm cấp giấy phép môi trường, trường hợp Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì việc cấp giấy phép môi trường được thực hiện căn cứ vào các điểm a, b, d và đ Khoản 1 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La, UBND tỉnh đã phê duyệt Kết quả thực hiện Nhiệm vụ "Điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông suối chính trên địa bàn tỉnh và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải", tuy nhiên mới chỉ đánh giá được khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải một số đoạn của 9 sông suối chính trên địa bàn tỉnh, còn lại đa số chưa được đánh giá nên chủ dự án chưa có căn cứ để so sánh sự phù hợp của dự án, cơ sở đối với khả năng chịu tải của môi trường đối với các đoạn sông suối chưa được UBND phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải.
Từ các nội dung đã nêu, ông Quân hỏi, trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La thì chủ dự án có phải bắt buộc đánh giá sự phù hợp của dự án, cơ sở đối với khả năng chịu tải của môi trường đối với các đoạn sông suối chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Qua câu hỏi, thể hiện ông Quân đã tìm hiểu tương đối kỹ về các nội dung liên quan được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Việc đánh giá sự phù hợp của dự án, cơ sở với phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của cơ sở thông thường đã được xem xét trong quá trình đánh giá tác động môi trường (đối với các dự án thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường).
Theo Phụ lục VIII Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đối với nội dung đã được đánh giá trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng không có thay đổi, chủ dự án không phải thực hiện đánh giá lại và ghi là không thay đổi trong hồ sơ đề xuất cấp giấy phép môi trường.
Hiện nay, nhìn chung trên cả nước, kể cả cấp trung ương và địa phương chưa có nhiều khu vực/lưu vực sông được cơ quan có thẩm quyền công bố/ban hành khả năng chịu tải của môi trường.
Do vậy, trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không bắt buộc đánh giá sự phù hợp của dự án, cơ sở đối với khả năng chịu tải của môi trường đối với khu vực/lưu vực sông chưa được cấp có thẩm quyền công bố/ban hành và căn cứ cấp giấy phép môi trường thực hiện theo Điểm e Khoản 1 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc tự tính toán, đánh giá sự phù hợp với khả năng chịu tải (đặc biệt là môi trường nước lưu vực sông) được khuyến khích thực hiện.
Đối với địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay, trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, các dự án, cơ sở cần đánh giá sự phù hợp so với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Đối với việc đánh giá sự phù hợp với sức chịu tải của môi trường, chỉ các dự án, cơ sở thuộc lưu vực các sông suối chính đã được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt và công bố chính thức mới bắt buộc phải thực hiện.