Có được thuê đất rừng phòng hộ làm khu du lịch sinh thái hay không?
Doanh nghiệp có được thuê đất rừng phòng hộ để kinh doanh làm khu du lịch sinh thái hay không?
1. Có được thuê đất rừng phòng hộ làm khu du lịch sinh thái hay không?
Căn cứ điểm a khoản 6 Điều 23 Nghị định 156/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP) thì chủ rừng được cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng phòng hộ thông qua hợp đồng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Việc cho thuê môi trường rừng phải được thông báo công khai, rộng rãi trong thời gian tối thiểu là 30 ngày, bằng các hình thức: niêm yết tại trụ sở làm việc; đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị (nếu có); đăng trên cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp trên trực tiếp của chủ rừng.
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Chủ rừng được cho tổ chức, cá nhân thuê đất rừng phòng hộ làm khu du lịch sinh thái
(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Thông báo về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái cần có những nội dung nào?
Căn cứ điểm b khoản 6 Điều 23 Nghị định 156/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP), thông báo công khai về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, gồm các nội dung cơ bản sau đây:
(i) Thông tin chung về chủ rừng.
(ii) Vị trí, diện tích, địa điểm cho thuê môi trường rừng và phương thức dự kiến tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
(iii) Tóm tắt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phê duyệt.
(iv) Hồ sơ kỹ thuật để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng theo quy định.
(v) Thời gian, địa chỉ nộp hồ sơ đăng ký.
3. Quy định chung về dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ
Căn cứ khoản 7 khoản 6 Điều 23 Nghị định 156/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP), dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ được quy định như sau:
(i) Chủ rừng hoặc tổ chức, cá nhân đã được lựa chọn, ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm phù hợp: Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(ii) Đối với dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có cấu phần xây dựng, việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý các công việc thuộc giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc xây dựng của dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng. Các nội dung quy định tại điểm a khoản này là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đánh giá các nội dung về sự phù hợp của thiết kế cơ sở với quy hoạch và sự phù hợp của dự án với chủ trương đầu tư theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 58 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020).
Đối với dự án không có cấu phần xây dựng, việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
(iii) Chủ rừng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng hoặc hợp tác, liên kết trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo đúng quy định của pháp luật. Sau thời gian 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng hợp tác, liên kết hoặc thuê môi trường rừng, nếu tổ chức, cá nhân không triển khai thực hiện dự án, chủ rừng xem xét chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp do thiên tai, dịch bệnh, trở ngại khách quan trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý và các sự kiện bất khả kháng khác do hai bên thỏa thuận.
(iv) Kinh phí lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
- Đối với phương thức tự tổ chức, kinh phí lập dự án được cân đối trong kế hoạch tài chính hằng năm, từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng của chủ rừng hoặc từ nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Đối với phương thức hợp tác, liên kết, kinh phí lập dự án do các bên thỏa thuận.
- Đối với phương thức cho thuê môi trường rừng, kinh phí lập dự án do tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng bảo đảm.