Hợp đồng trọn gói được thanh toán theo khối lượng nghiệm thu thực tế không?
Hợp đồng xây dựng trọn gói khi nghiệm thu có giảm khối lượng thì có thanh toán theo khối lượng nghiệm thu thực tế không?
1. Hợp đồng trọn gói là gì?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 64 Luật Đấu thầu 2023, hợp đồng trọn gói là hợp đồng được áp dụng đối với:
- Gói thầu mà tại thời điểm lựa chọn nhà thầu, phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật, thời gian thực hiện gói thầu được xác định rõ, ít có khả năng thay đổi về khối lượng, yêu cầu kỹ thuật, các điều kiện không lường trước được.
- Gói thầu chưa thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá nhưng các bên tham gia hợp đồng xác định được khả năng quản lý rủi ro, quản lý thay đổi phát sinh hoặc xác định được các tính chất, đặc điểm của sản phẩm đầu ra, bao gồm cả hợp đồng EPC và hợp đồng chìa khóa trao tay.
Lưu ý: Giá hợp đồng trọn gói không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng đối với phạm vi công việc, yêu cầu kỹ thuật và điều khoản quy định trong hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng và thay đổi phạm vi công việc phải thực hiện dẫn đến giá hợp đồng thay đổi (điểm c khoản 1 Điều 64 Luật Đấu thầu 2023).
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới) |
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
[TIỆN ÍCH] Tra cứu Công việc pháp lý trang PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP |
[TIỆN ÍCH] Mẫu văn bản nâng cao (hướng dẫn ghi & tải về các mẫu đơn) |
Hợp đồng trọn gói được thanh toán theo khối lượng nghiệm thu thực tế
(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Hợp đồng trọn gói được thanh toán theo khối lượng nghiệm thu thực tế không?
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 64 Luật Đấu thầu 2023, việc thanh toán hợp đồng trọn gói được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, khi thanh toán không yêu cầu có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết.
Như vậy, hợp đồng trọn gói không được thanh toán theo khối lượng nghiệm thu thực tế mà phải thanh toán theo giá hợp đồng đã thỏa thuận trước đó.
3. Hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng trọn gói bao gồm những gì?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị đinh 37/2015/NĐ-CP, hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng do bên nhận thầu lập phù hợp với từng loại hợp đồng xây dựng, giá hợp đồng và các thỏa thuận trong hợp đồng. Hồ sơ thanh toán (bao gồm cả biểu mẫu) phải được ghi rõ trong hợp đồng xây dựng và phải được bên giao thầu xác nhận.
Hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng trọn gói gồm các tài liệu chủ yếu sau:
(i) Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu.
Lưu ý: Biên bản nghiệm thu khối lượng này là bản xác nhận hoàn thành công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc phù hợp với phạm vi công việc phải thực hiện theo hợp đồng (đối với hợp đồng thi công xây dựng phù hợp với phạm vi công việc phải thực hiện theo thiết kế; đối với hợp đồng tư vấn phù hợp với nhiệm vụ tư vấn phải thực hiện) mà không cần xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết.
(ii) Bảng tính giá trị nội dung của các công việc phát sinh (nếu có) ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu.
(iii) Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung:
- Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng.
- Giá trị khối lượng các công việc phát sinh (nếu có).
- Giảm trừ tiền tạm ứng.
- Giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn sau khi đã bù trừ các Khoản này có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.
Điều 20. Các hình thức lựa chọn nhà thầu – Luật Đấu thầu 2023 1. Các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: a) Đấu thầu rộng rãi; b) Đấu thầu hạn chế; c) Chỉ định thầu; d) Chào hàng cạnh tranh; đ) Mua sắm trực tiếp; e) Tự thực hiện; g) Tham gia thực hiện của cộng đồng; h) Đàm phán giá; i) Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. 2. Trường hợp phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại khoản 1 Điều này, có tính ưu việt, sử dụng phương tiện điện tử tiến bộ, hiện đại, Chính phủ quy định về hình thức, quy trình, đối tượng phù hợp với tính năng mới của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu. |