Từ quầy cà phê 12m2 tới chuỗi 800 tiệm, cứ 2 phút bán được 1 ly: "Cậu bé hư" huy động được hơn 230 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế
CEO của chuỗi cà phê tự nhận mình là một cậu bé hư và lười học nhưng lại rất đam mê kinh doanh và khởi nghiệp.
Khi còn học đại học, Edward Tirtanata rất thích uống cà phê, đến mức mỗi ngày anh đều gọi một cốc lớn từ Dunkin’ Donuts hoặc 7-Eleven. Hiện ở tuổi 35, Tirtanata là đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty cà phê Kopi Kenangan được các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ. Anh vẫn uống cà phê mỗi ngày, nhưng thay vì một tách, anh đã nâng lên ba tách hoặc nhiều hơn để "thử nghiệm sản phẩm".
Bắt đầu từ một quầy cà phê nhỏ ở Indonesia vào năm 2017, Kopi Kenangan giờ đã trở thành một thương hiệu cà phê quốc tế, có giá trị hơn 1 tỷ USD và sở hữu hơn 800 cửa hàng tại khắp Đông Nam Á. Theo tài liệu của công ty cung cấp cho CNBC Make It, doanh thu của Kopi Kenangan trong năm 2023 đã vượt qua 100 triệu USD. Chỉ trong bảy năm, từ một quầy cà phê nhỏ, Kopi Kenangan đã phát triển thành một doanh nghiệp kỳ lân trong ngành cà phê, được đầu tư bởi các quỹ mạo hiểm.
Edward Tirtanata
Không thích học nhưng thích kinh doanh
Tirtanata lớn lên tại Jakarta, Indonesia. Năm 2007, anh sang Mỹ theo học Đại học Northeastern ở Boston, chuyên ngành tài chính và kế toán. Dù không hứng thú với việc học, Tirtanata lại rất thích khởi nghiệp và kinh doanh.
Tirtanata chia sẻ: “Khi còn nhỏ, tôi chắc chắn là một đứa trẻ hư đấy, tôi không học nhiều. Nhưng bất cứ khi nào có cơ hội kiếm tiền hoặc làm kinh doanh, tôi luôn cảm thấy rất hứng thú. Không phải vì tiền, mà vì niềm vui khi làm điều đó. Đó là điều luôn khiến tôi hào hứng cho đến tận hôm nay”.
Ngay từ khi còn là sinh viên, Tirtanata đã khám phá ra một nguyên tắc kinh doanh cơ bản: “Mua rẻ, bán đắt”. Anh bán thẻ Pokémon và máy chơi game cho bạn bè để kiếm lời, và điều đó gần như là bản năng của anh. Lấy cảm hứng từ cha mẹ, những người cũng là doanh nhân, Tirtanata luôn thích thú với việc tự xây dựng sự nghiệp.
Trong năm học đầu tiên, Tirtanata nhận được một cuộc gọi từ mẹ, báo rằng công việc kinh doanh của cha đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng. Sau cuộc gọi đó, anh quyết định rút ngắn chương trình học từ năm năm xuống còn ba năm để nhanh chóng trở về Indonesia giúp đỡ gia đình.
“Lúc đó, mỗi ngày của tôi đầy căng thẳng và bất ổn, nhưng tôi nghĩ đây chính là một trong những khoảnh khắc khiến tôi trở thành một doanh nhân giỏi hơn,” Tirtanata chia sẻ. Dù đối mặt với khó khăn tài chính, anh vẫn không ngừng theo đuổi con đường kinh doanh của riêng mình.
Edward Tirtanata và gia đình
Bước đầu khởi nghiệp
Trước khi thành lập Kopi Kenangan, Tirtanata từng mở chuỗi cửa hàng trà Lewis & Carroll vào năm 2015 với các địa điểm trải khắp Indonesia. Tuy nhiên, khi mở đến cửa hàng thứ năm, anh nhận ra rằng mô hình kinh doanh trà không sinh lợi như mong đợi.
Một ngày nọ, trong cuộc trò chuyện với người bạn thân lâu năm James Prananto, họ nhận ra vấn đề: nhiều chuỗi cà phê và trà lớn ở Indonesia có giá quá đắt đối với người dân địa phương.
Theo Chỉ số Starbucks Tall Latte, trong khi một ly Tall Latte của Starbucks chỉ chiếm khoảng 2% thu nhập trung bình hàng ngày của người Mỹ, thì tại Indonesia, ly đồ uống tương tự có giá cao hơn 30% thu nhập trung bình của người dân địa phương. Từ đó, ý tưởng về Kopi Kenangan ra đời.
Năm 2017, Tirtanata và Prananto cùng đầu tư 15.000 USD để mở quán cà phê đầu tiên tại Jakarta. Họ bỏ qua chi phí thuê không gian ngồi lại, thay vào đó tập trung đầu tư vào nguyên liệu chất lượng cao. Tirtanata chia sẻ: “Thay vì đầu tư vào ghế sofa hay Wi-Fi tốc độ cao, chúng tôi tập trung vào việc mang đến những tách cà phê ngon và chất lượng.”
Mặc dù chỉ là một không gian nhỏ với diện tích 12m2, hoạt động kinh doanh của họ vẫn rất phát đạt. Thương hiệu của Tirtanata và Prananto đã thu hút được nhiều khách hàng mong muốn có một tách cà phê ngon lành trước khi bắt đầu ngày làm việc. Hiện tiệm cà phê Kopi Kenangan đầu tiên nằm ở Standard Chartered Tower, Kuningan, Jakarta, vẫn duy trì bán bán được 700 ly cà phê mỗi ngày, tương đương 2 phút bán được 1 ly cà phê.
Bước tiếp theo của anh là áp dụng chiến lược tương tự như Starbucks. Tirtanata mở cửa hàng thứ hai chỉ cách cửa hàng đầu tiên 500m để xem rằng liệu việc mở thêm một cửa hàng gần đó có ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng ban đầu không? Kết quả là không. Trong vòng sáu tháng, Edward và James đã khai trương 50 cửa hàng Kopi Kenangan khắp Jakarta. Với mức giá chỉ 15.000 Rupiah (khoảng 23.000 đồng) cho một ly Americano, doanh thu đạt được rất khả quan.
Và chiến lược này này đã giúp Kopi Kenangan mở rộng quy mô lên hơn 200 địa điểm tại 10 thành phố chỉ trong hai năm.
Quầy cà phê đầu tiên của anh ở Jakarta
Bí quyết thành công của Kopi Kenangan
Ngành cà phê vốn đã bão hòa, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Khi được hỏi điều gì khiến Kopi Kenangan khác biệt so với đối thủ, Tirtanata cho biết có ba lý do chính: mô hình kinh doanh tiện lợi, ứng dụng công nghệ và tùy chỉnh hương vị hợp với thị trường địa phương.
Tirtanata nói: “Trong khi các chuỗi cà phê lớn như Starbucks ưu tiên sự nhất quán trong hương vị thì tôi nhận ra rằng mỗi thị trường lại có khẩu vị khác nhau”.
Tirtanata giải thích rằng Kopi Kenangan áp dụng phương pháp dựa trên dữ liệu để đảm bảo hương vị cà phê phù hợp với từng thị trường. Áp dụng cách tiếp cận "siêu địa phương" dựa trên dữ liệu nghĩa là một ly cà phê latte tại Singapore sẽ có hương vị khác với một ly latte ở Indonesia.
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Tirtanata và Prananto đã đẩy mạnh tích hợp công nghệ, giúp Kopi Kenangan tăng gấp ba số lượng cửa hàng.
Từ Indonesia vươn ra thế giới
Tính đến tháng 4/2024, chuỗi cà phê này đã huy động được hơn 230 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế, theo tài liệu từ CNBC Make It. Hiện nay, các cửa hàng Kopi Kenangan đã có mặt tại Indonesia, Malaysia và Singapore.
Tuy nhiên, Tirtanata vẫn chưa hài lòng. Anh đang có kế hoạch mở rộng ra toàn cầu và hy vọng một ngày nào đó công ty sẽ được niêm yết tại Hoa Kỳ.
Anh chia sẻ: “Công ty càng lớn mạnh, công việc sẽ càng phức tạp hơn, vì vậy tôi cố gắng học hỏi mỗi ngày để trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn. Tôi rất hứng khởi khi nghĩ về tương lai của chúng tôi. Tôi tin rằng đây chỉ mới là giai đoạn đầu của hành trình.”