Đến thầy lang chữa rắn cắn, người phụ nữ bị hoại tử chân, suy đa tạng
Một phụ nữ 56 tuổi ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) bị sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, hoại tử chân sau khi chi 40 triệu đồng chữa rắn cắn ở nhà thầy lang.
Ngày 11/10, đại diện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, cơ sở này vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, huyết áp và mạch không đo được, suy đa tạng, rối loạn đông máu, hoại tử chân phải vì bị rắn cắn nhưng không được điều trị đúng cách, kịp thời.
Đó là bà N.T.T.H. (sinh năm 1968, trú tại xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông). Bà bị rắn độc cắn từ ngày 5/10 nhưng không đi bệnh viện mà đến thầy lang để chữa, khi tình trạng nguy kịch mới đi cấp cứu.
Theo bác sỹ CKII Huỳnh Thị Đoan Dung - Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, sau khi tiếp nhận bệnh nhân H., các bác sỹ nhanh chóng cấp cứu, tiêm huyết thanh kháng độc rắn và xử lý vết thương hoại tử ở chân phải cho bà.
"Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã có tiến triển tốt", BS Huỳnh Thị Đoan Dung cho hay.
Chiều 5/10, đang làm rẫy thì bị rắn cắn vào chân phải, bà H. dùng dây cột garo vết thương và gọi người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil. Trong khi chờ các bác sỹ lấy máu xét nghiệm, bà được người nhà của bệnh nhân giường kế bên mách địa chỉ nhà thầy lang chuyên chữa trị rắn cắn ở huyện Cư Yút (tỉnh Đắk Nông), liền tìm đến ông này để điều trị.
Bà H. kể: “Tới nhà thầy lang, ông ấy nói sẽ chữa khỏi với giá 70 triệu đồng. Gia đình tôi đưa trước cho thầy lang 40 triệu đồng. Quá trình nằm điều trị tại nhà thầy lang, tôi được cho uống thuốc lá không rõ loại gì, xông chân. Thầy lang dùng dụng cụ xử lý vết thương cho tôi.
Khi uống thuốc lá, tôi bị nôn ói và tiêu chảy, chân đau nhức, người mệt mỏi. Chữa trị tới đêm thứ 4 thì tôi ngất xỉu và được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên”.
Theo BS Đoan Dung, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tục ghi nhận các trường hợp bị rắn cắn. Năm 2023, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 300 người bị rắn cắn. Từ đầu năm 2024 tới nay, đã có hơn 200 người nhập viện vì nguyên nhân này.
Hầu hết bệnh nhân nhập viện sớm nên quá trình điều trị cho kết quả tốt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chủ quan, tin theo lời thầy lang hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng như đắp lá, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
BS Dung khuyên, khi bị rắn cắn, người dân nên bình tĩnh, không cử động chân tay tại vùng có vết thương để tránh nọc độc xâm nhập nhanh vào cơ thể; có thể bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp. Cần tháo bỏ trang sức, nới lỏng quần áo để tránh bị chèn ép do sưng nề, gây hoại tử chi. Cần điều chỉnh tư thế ngồi hoặc nằm sao cho chỗ bị rắn cắn thấp hơn vị trí của tim.
Bệnh nhân cần được làm sạch vết thương bằng xà phòng, nước muối sinh lý hoặc nước sạch, sau đó dùng một miếng gạc khô, sạch băng lại, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và tiêm huyết thanh kháng độc kịp thời.
Lưu ý, tuyệt đối không buộc garô khiến máu không lưu thông, khiến tình trạng nặng nề hơn. Không uống các loại nước ngọt có gas, cà phê, bia rượu vì sẽ khiến chất độc hấp thụ nhanh hơn. Tuyệt đối không chữa trị bằng cách cắt lễ, đắp lá, uống sản phẩm không rõ công dụng, nguồn gốc… vì có thể nguy hiểm tính mạng.