Người đàn ông 39 tuổi ở Thanh Hóa đột tử khi chơi pickleball có tiền sử mắc bệnh này, đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh, người chơi cần cảnh giác
Trong lúc chơi pickleball, người đàn ông 39 tuổi ở Thanh Hóa bất ngờ đổ gục, nghi do đột quỵ sau đó tử vong.
Mới đây, trong cộng đồng chơi pickleball chia sẻ hình ảnh một người đàn ông đang chơi môn thể thao này bất ngờ đổ gục. Sự việc xảy ra tại một sân tập ở TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Trao đổi với phóng viên báo VietNamNet, một lãnh đạo phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, cho biết vụ việc xảy ra trên địa bàn chiều 8/10.
Cụ thể, anh L.A.T. (39 tuổi, trú tại TP Thanh Hóa) chơi pickleball cùng bạn bè, lúc ngồi nghỉ uống nước, anh bất ngờ gục xuống. Anh T. được sơ cứu nhưng đã tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền phường Đông Hải đã đến ghi nhận thông tin, hỗ trợ gia đình đưa anh về lo hậu sự. Được biết, người đàn ông này có tiền sử bệnh tim.
Pickleball giống tennis, bóng bàn, cầu lông, là bài tập vận động hỗn hợp sức mạnh, tốc độ, sức bền, đang được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, với một số cá nhân đặc biệt, việc tập thể dục hoặc chơi thể thao trong đó có pickleball có thể là yếu tố khởi phát gây đột tử.
Ai có nguy cơ bị đột tử khi chơi thể thao
Theo các chuyên gia y tế, tập thể dục thể thao được coi là biện pháp tốt giúp duy trì sức khỏe. Tuy nhiên cần phải biết cách tập luyện phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân nhằm phòng tránh nguy cơ dẫn đến đột tử, đặc biệt đối với những người vận động không thường xuyên hoặc có bệnh tim mạch.
Đa số các trường hợp đột tử trong khi tham gia thể thao thường xuất phát từ các nguyên nhân như người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, béo phì, hút thuốc, ít vận động, căng thẳng hoặc tiền sử về đột quỵ, đặc biệt là ở nam giới và những người trẻ, thường là do bệnh tim cấu trúc hoặc di truyền.
Nguyên nhân chính gây đột tử là loạn nhịp tim. Với người trên 35 tuổi, khả năng cao là do xơ vữa động mạch vành. Còn với người dưới 35 tuổi thường là bệnh di truyền như bệnh cơ tim, các rối loạn hệ dẫn truyền trong tim…
Nguy cơ đột tử ở người chơi thể thao không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe, mà còn liên quan đến loại hình hoạt động thể chất và cường độ tập luyện. Những người tham gia tập luyện với cường độ cao nhưng không đều đặn, thường có nguy cơ ngưng tim cao hơn so với những người tập luyện thường xuyên.
Phòng ngừa nguy cơ đột tử khi chơi thể thao
Đột tử liên quan đến vận động thể thao là một vấn đề rất được quan tâm trong thời gian gần đây. Để phòng ngừa đột tử, người tham gia các môn thể thao cần hiểu về sức khỏe tim mạch của bản thân, biết được các bệnh lý tim mạch mình đang có, đặc biệt quan trọng khi trong gia đình có thành viên đột tử do tim hoặc không rõ nguyên nhân.
Nếu có dấu hiệu đau tức ngực, chóng mặt, khó thở… xuất hiện khi đang vận động thể lực, dù ở cường độ nào, chúng ta cũng nên đến bệnh viện để tầm soát các bất thường tim mạch và xin lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa về việc lựa chọn môn thể thao phù hợp tình trạng sức khỏe và tình trạng bệnh lý của mình.
Kể cả người khỏe mạnh cũng cần tầm soát và tư vấn trước khi chơi thể thao nhằm phát hiện những bất thường có thể gây đột tử trong lúc tập luyện, đặc biệt ở người lớn tuổi, người mới bắt đầu luyện tập hay chơi môn thể thao cường độ mạnh, hoặc tham gia thi đấu các cuộc thi.