Giá cau tăng cao, khuyến cáo người dân không ồ ạt trồng mới
Với giá bán dao động ở mức 75.000 - 78.000 đồng/kg cau cành tươi, nên người trồng cau và các cơ sở sơ chế tại Quảng Ngãi rất phấn khởi. Tuy nhiên, do chưa đảm bảo thị trường đầu ra ổn định nên chính quyền các địa phương đã khuyến cáo người dân không nên phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng để chạy theo cây cau.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây cau mang lại, thời gian gần đây, nhiều người đã đầu tư kinh phí mua giống, thậm chí lên núi thuê đất để trồng cau. Anh Phạm Văn Trực, người dân huyện Nghĩa Hành, cho biết, giá cau tươi tăng nên kéo theo giá cây cau giống cũng cao, và khan hiếm. Gia đình anh hiện đang có vườn hơn 300 cây cau; trong đó, có 50 cây đang cho thu hoạch, còn lại mới trồng được 2 năm. Thấy cây cau có tiềm năng nên anh vừa trồng mới hơn 100 cây cau con và đang đặt giống thêm 100 cây nữa.
Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, đầu ra trái cau chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên người dân không nên ồ ạt tăng diện tích mà nên trồng xen canh với các loại cây khác, để tránh rủi ro và cho kinh tế cộng hưởng. Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết, so với các cây trồng khác trên địa bàn huyện Sơn Tây thì cây cau là cây mang lại thu nhập ổn định nhất hiện nay. Tuy nhiên, địa phương cũng sẽ phải nỗ lực tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này. Đồng thời, địa phương cũng khuyến khích người dân nên trồng xen canh một số cây trồng khác dưới tán cau như ổi, sả, dứa... để không bị đứt quãng thu nhập khi cau bị rớt giá.Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho rằng, do giá cau liên tục tăng cao trong thời gian qua, nên đã xuất hiện tình trạng một số người dân tại địa phương tự phát chuyển đổi từ các cây trồng khác sang cây cau. Đặc biệt, có một số hộ trồng cau trên diện tích đất trồng cây hàng năm.“Đến nay toàn huyện Nghĩa Hành có hơn 700 ha cau, tăng 4% so với năm 2023. Trước thực trạng diện tích cau tăng nhanh và không phù hợp với định hướng của huyện là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển vùng chuyên canh ây ăn quả, nhất là những cây đã đạt chứng nhận OCOP. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện đã giao phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cùng các địa phương khảo sát lại hiệu quả của cây cau trong phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, kiểm soát chặt diện tích cây cau trên quan điểm “không khuyến khích người dân phá bỏ cũng như trồng mới cây cau một cách ồ ạt”.