Microsoft, TikTok và các ông lớn đổ xô tới một ngôi làng hoang vu ở Đông Nam Á: Chuyện gì đang xảy ra?
Có người còn dự đoán ngôi làng này sẽ trở thành trung tâm dữ liệu lớn thứ 2 thế giới trong vòng 5 năm tới.
Sự bùng nổ các trung tâm dữ liệu
Gary Goh (Malaysia) là giám đốc điều hành của một công ty phát triển bất động sản niêm yết công khai ba năm trước. Khi ấy, các khách hàng tiềm năng của ông bắt đầu hỏi liệu công ty ông có đất để xây dựng trung tâm dữ liệu hay không.
Goh chỉ biết lờ mờ rằng các công ty công nghệ cần những trung tâm máy tính để quản lý khối lượng dữ liệu khổng lồ, nhưng ông chưa bao giờ thấy một tòa nhà như vậy. "Tôi không biết nó có hình tròn, chữ nhật hay tam giác nữa," ông nói. Tuy nhiên, sau khi nhận được lời hỏi thăm thứ 10, Goh nhận ra rằng ngành công nghệ sắp đổ hàng tỷ USD vào việc xây dựng trung tâm dữ liệu ở một góc yên tĩnh của Malaysia.
Không nơi nào trên thế giới đang thay đổi nhanh chóng về mặt cơ sở hạ tầng nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) như bang Johor của Malaysia. Ba năm trước, khu vực này bên cạnh Singapore chỉ là một vùng trũng công nghệ với những mảnh đất hoang vu và đồng cọ rải rác. Thế nhưng ngày nay, hàng loạt ông lớn công nghệ đã đổ về đây, xây các tòa nhà khổng lồ, biến nơi đây thành những dự án xây dựng AI lớn nhất thế giới.
ByteDance, công ty mẹ của TikTok ở Trung Quốc, đang đầu tư 350 triệu USD vào các trung tâm dữ liệu tại Johor. Microsoft cũng mua một mảnh đất rộng 123 mẫu Anh với giá 95 triệu USD ở đây. Gần đây, Blackstone đã chi 16 tỷ USD để mua lại AirTrunk, một nhà điều hành trung tâm dữ liệu với các cơ sở trải dài khắp châu Á, trong đó có một khu vực tại Johor rộng bằng 19 sân bóng đá. Tuần trước, Oracle thông báo đầu tư 6,5 tỷ USD vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu ở Malaysia, dù chưa nêu rõ địa điểm.
Ngân hàng khu vực Maybank ước tính tổng số đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại Johor, dùng cho cả trí tuệ nhân tạo lẫn điện toán đám mây, có thể lên tới 3,8 tỷ USD trong năm nay.
Công nhân đang xây dựng trung tâm dữ liệu ở Công viên công nghệ Sedenak, Johor, Malaysia.
Hiện có hơn 10 trung tâm dữ liệu đang hoạt động tại Johor. Ngoài ra, tiểu bang này đã nhận hơn 50 đơn đăng ký từ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và các công ty quy mô lớn.
Tháng 6 vừa qua, hãng CNBC từng đưa tin Malaysia đang nổi lên như cường quốc về trung tâm dữ liệu tại Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung khi nhu cầu điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo gia tăng mạnh mẽ. Trong vài năm trở lại đây, quốc gia này liên tục thu hút hàng tỷ USD tài trợ vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu, bao gồm nhiều gã khổng lồ công nghệ như Google, Nvidia và Microsoft.
Tại sao lại là Johor?
Peng Wei Tan, giám đốc điều hành cấp cao của Blackstone, người đã giúp thực hiện thương vụ mua lại AirTrunk, nhận định: "Thoạt nhìn Johor có vẻ không tiềm năng, nhưng khi phân tích kỹ, bạn sẽ thấy nó vô cùng hợp lý".
Để hiểu được lí do mảnh đất hoang vu Johor bỗng bùng nổ thành "thủ phủ" AI, hãy nhìn vào những cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ phát triển AI.
Các tập đoàn công nghệ muốn đào tạo chatbot, xe tự lái và các ứng dụng AI khác nhanh nhất có thể. Họ thực hiện điều này trong các trung tâm dữ liệu, nơi chứa hàng nghìn con chip máy tính, yêu cầu rất nhiều điện và nước để làm mát.
Bắc Virginia - Mỹ đã trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới nhờ nguồn điện, nước và đất đai dồi dào. Nhưng nguồn cung tại đây đang cạn kiệt, và các công ty công nghệ không thể xây dựng đủ nhanh chỉ tại Hoa Kỳ. Vì thế, Johor đã trở thành lựa chọn thay thế hoàn hảo với nguồn đất đai, nước và điện năng dồi dào. Malaysia còn có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp giảm thiểu rủi ro chính trị cho các công ty từ hai quốc gia này.
Hình ảnh hàng loạt siêu máy tính được lắp đặt bên trong phòng máy chủ của trung tâm dữ liệu.
Một yếu tố quan trọng khác là vị trí địa lý. Johor nằm sát Singapore, nơi có một trong những nút giao cáp internet dưới biển dày đặc nhất thế giới, cho phép các công ty công nghệ truyền tải lượng dữ liệu khổng lồ đi khắp thế giới.
Rangu Salgame, giám đốc điều hành Princeton Digital Group, công ty điều hành trung tâm dữ liệu cho nhiều tập đoàn công nghệ lớn, cho biết: "Sự phát triển tại Johor không chỉ phục vụ cho Malaysia mà còn cho toàn cầu thông qua AI".
Salgame chia sẻ rằng trước đây, các công ty xây dựng trung tâm dữ liệu tại Singapore vì kết nối tốt. Tuy nhiên, năm 2019, Singapore đã tạm dừng việc xây dựng thêm do hạn chế năng lượng. Do đó, các nhà điều hành trung tâm dữ liệu đã chuyển hướng sang Johor, chỉ cách Singapore một giờ di chuyển qua cầu.
Từ mảnh đất hoang vu, Johor được các ông lớn công nghệ đổ xô tới xây dựng trung tâm dữ liệu nhờ điện và nước rẻ cùng nguồn đất đai dồi dào
Salgame cho biết các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Google và Meta tự vận hành trung tâm dữ liệu riêng, nhưng họ cũng dựa vào các bên thứ ba để đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tại Mỹ và khoảng 90% toàn cầu.
Các bên thứ ba xây dựng trung tâm dữ liệu với chi phí từ 1 đến 2 tỷ USD mỗi trung tâm, sau đó cho các công ty công nghệ thuê để lắp đặt phần cứng của họ. Phần lớn các trung tâm dữ liệu ở Johor do các bên thứ ba điều hành, thậm chí không cần thỏa thuận với khách hàng công nghệ trước khi dự án khởi công.
Salgame dự đoán Johor sẽ trở thành trung tâm dữ liệu lớn thứ 2 thế giới trong vòng 5 năm tới. "Tôi chưa từng thấy nơi nào trên thế giới phát triển nhanh như vậy", Salgame nói.
Ngành công nghiệp đo lường thị trường trung tâm dữ liệu bằng lượng điện năng họ sử dụng. Theo Vivian Wong, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu DC Byte, Bắc Virginia hiện có khoảng 4,2 GGW công suất đang hoạt động, cùng với 11,4 GGW đang xây dựng hoặc đã cam kết.
Johor, từ công suất chưa đến 10 MW (0,01 GGW) ba năm trước, nay đã có 0,34 GGW đang hoạt động và thêm 2,6 GGW đang xây dựng hoặc đã cam kết.