Đi tham dự họp Đại hội chi bộ có được công ty trả lương hay không?
Thời gian người lao động đi tham dự họp Đại hội chi bộ có được tính vào thời gian làm việc được công ty trả lương hay không?
1. Đi tham dự họp Đại hội chi bộ có được công ty trả lương hay không?
Căn cứ Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương bao gồm:
(i) Nghỉ giữa giờ quy định khoản 2 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
(ii) Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
(iii) Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
(iv) Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019.
(v) Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
(vi) Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
(vii) Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 61 Bộ luật Lao động 2019.
(viii) Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 Bộ luật Lao động 2019.
(ix) Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
(x) Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.
Theo đó, thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý được tính vào thời gian làm việc được hưởng lương.
Như vậy, thời gian đi tham dự họp Đại hội chi bộ theo yêu cầu của công ty hoặc được công ty đồng ý thì vẫn được trả lương.
File Excel tính tiền lương làm thêm giờ, làm ban đêm 2024 với người lao động |
Bộ luật Lao động và văn bản còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024) |
File Excel tính tiền lương hàng tháng của người lao động năm 2024 |
Đi tham dự họp Đại hội chi bộ vẫn có thể được công ty trả lương (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Có bắt buộc phải đưa bảng kê lương cho người lao động mỗi lần trả lương hay không?
Căn cứ khoản 3 Điều 95 Bộ luật Lao động 2019, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Như vậy, công ty bắt buộc phải thông báo bảng kê lương cho người lao động mỗi lần trả lương.
3. Kỳ hạn trả lương được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, kỳ hạn trả lương được quy định như sau:
(i) Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
(ii) Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
(iii) Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
(iv) Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.