Khu tái định cư A6 Nam Trung Yên là nơi ở của người dân từ các phố Hàng Bồ, Ô Chợ Dừa, Khâm Thiên, Ngã Tư Sở… Từ lâu, vỏ ngoài của các tòa nhà đã bong tróc nham nhở. Khu nhà tái định cư này gồm 4 tòa nhà, cao 11 tầng, với 440 căn hộ. Hiện, cả 4 tòa nhà đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác và mất mỹ quan đô thị. Nhiều mảng sơn phồng rộp, đọng nước, đặc biệt là sau cơn bão số 3 vừa qua. Nhiều vị trí tường bong tróc, lộ gạch, có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Không chỉ bên ngoài xuống cấp, nhiều dãy hành lang bên trong tòa nhà cũng bong tróc, thấm dột tường. Khu vực ban công của 1 tòa nhà trong tình trạng bong tróc, các tay vịn rỉ sét từ lâu nhưng không được sửa chữa, thay thế. Đây là căn hộ của bà Nguyễn Thị Hoa (77 tuổi). Gia đình bà chuyển từ Ô Chợ Dừa về đây từ năm 2014. Diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 30 mét nhưng là nơi ở của 4 con người thuộc 3 thế hệ. Hiện, tất cả các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, căn hộ bị thấm nước, tường nhà bong tróc. Đường ống nước bị hư hỏng nặng, rất lâu rồi không được duy tu, bảo dưỡng. Các bức tường quanh nhà loang lổ, xi măng, vôi vữa đã rơi rụng. Chỉ cần chạm nhẹ tay là những mảng tường kia có thể rơi xuống sàn. Đường nước hỏng, thấm dột, khiến không gian căn hộ bí bách, ẩm ướt. Hầu hết người dân ở tòa nhà này là dân tái định cư, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh nên việc sửa chữa căn hộ là rất khó khăn, bởi số tiền này có thể lên tới 200-300 triệu đồng. Nhiều gia đình không có tiền để sửa chữa nên các hạng mục bên trong ngôi nhà vẫn giữ nguyên như thời điểm mới nhận nhà cách đây hàng chục năm. Kinh tế khó khăn, gia đình bà Hoa cũng như một số gia đình không có điều kiện khác, chấp nhận sống trong căn hộ xập xệ, xuống cấp như vậy. Bà Vũ Thị Nguyệt, Tổ trưởng Tổ dân phố số 51 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Phó Trưởng ban Quản trị tòa nhà A6B cho biết, mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 18/2018, đề cập đến việc hỗ trợ một phần kinh phí cho 6 hạng mục nhà tái định cư gồm: Thang máy, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện... Nhưng đến nay, các cư dân chưa nhận được bất cứ khoản kinh phí hỗ trợ nào. Riêng vỏ ngoài của thang máy phải cần 1,5 tỷ thì mới có thể sửa chữa được, thay 2 thang máy mới thì phải cần 400 triệu đồng. Số tiền lớn như vậy vượt quá khả năng của người dân, do đó việc tự sửa chữa là không thể. “Tình trạng nhà tái định cư xuống cấp đã diễn ra từ năm 2016 đến nay, người dân khu chung cư đã nhiều lần kiến nghị với quận, thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết. Các mảng tường bong tróc có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân sinh sống tại đây”, bà Vũ Thị Nguyệt nói. Cư dân khu nhà mong muốn, cơ quan có thẩm quyền quan tâm và nhanh chóng có giải pháp cải tạo khu tái định cư để người dân yên tâm sinh sống. Theo thống kê từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại Hà Nội và TP.HCM có khoảng 13.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm. Đây là sự lãng phí lớn, do đó, rất cần có giải pháp để “gỡ khó” cho nhà tái định cư xuống cấp, đem lại sự an toàn cho người dân.
Theo Chung Thủy-Nguyễn Ngọc/VOV.VN