Tăng gần 70% từ đầu năm, tài sản của ông Trương Gia Bình và các lãnh đạo chủ chốt FPT cán mốc 1 tỷ USD
Trong số 7 người, có 4 người có hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản của ông Trương Gia Bình chiếm hơn 1 nửa với 14.526 tỷ đồng.
FPT:
Phiên giao dịch ngày 10/10, cổ phiếu FPT bất ngờ tăng tốc ngoạn mục, kết phiên, cổ phiếu đã tăng 4,65% lên 141.700 đồng/cp, đây là mức thị giá (đã điều chỉnh) cao nhất mà FPT từng chạm đến trong lịch sử 18 năm niêm yết. Từ đầu năm đến nay, FPT đã có 35 lần vượt đỉnh.
Sau phiên hưng phấn, FPT đã quay đầu giảm 1,5% trong phiên thứ Sáu, chốt tuần ở mức 139.600 đồng.
So với thời điểm đầu năm 2024, FPT đã tăng gần 70% thị giá. Vốn hóa thị trường của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam cũng theo đó lập kỷ lục gần 207.000 tỷ đồng. Con số này đưa FPT trở thành công ty tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán, chỉ sau 3 cái tên do Nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV và ACV.
Cùng với đà tăng của cổ phiếu, tài sản của các cổ đông FPT cũng tăng mạnh. Là những người hiểu rõ doanh nghiệp nhất cũng như nắm giữ nhiều cổ phiếu FPT, tài sản của 7 lãnh đạo chủ chốt của FPT đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay và đạt gần 24.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD).
Trong số 7 người, có 4 người có hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản của ông Trương Gia Bình chiếm hơn 1 nửa với 14.526 tỷ đồng, tăng 69% so với hồi đầu năm. Đứng thứ 2 là ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch FPT với gần 3.400 tỷ đồng.
Bên cạnh cổ phiếu FPT, bà Trương Thị Thanh Thanh - chị gái ông Trương Gia Bình và ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc còn nắm giữ cổ phiếu FOX của CTCP Viễn thông FPT, cổ phiếu này cũng đã tăng hơn 74% so với hồi đầu năm.
Nền tảng để cổ phiếu bứt phá vẫn là kết quả kinh doanh tăng trưởng đều đến mức đáng kinh ngạc của FPT. 8 tháng đầu năm 2024, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 39.664 tỷ đồng và LNTT đạt 7.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 20,8% và gần 20% so với cùng kỳ. LNST đạt 6.029 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2023, trong đó lãi ròng đạt hơn 5.000 tỷ, tăng gần 23%.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 8 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 64% kế hoạch doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Mảng Dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt doanh thu 19.934 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 30,4%, dẫn dắt bởi sức tăng đến từ cả 4 thị trường. Trong đó, thị trường Nhật Bản và APAC tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, tăng lần lượt 34,4% (tương đương tăng trưởng 37,2% theo Yên Nhật) và 36,9%. Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 22.774 tỷ đồng, tăng 19%; LNTT tăng gần 27% lên 3.182 tỷ.
Trong 8 tháng năm 2024, FPT thắng thầu 29 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, cho thấy nhu cầu đầu tư cho công nghệ ngày càng cao trên toàn cầu và khẳng định năng lực cung ứng công nghệ của FPT.
Mới đây, FPT đã chính thức khai trương văn phòng đầu tiên tại Stockholm, Thụy Điển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chuyển đổi số và nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, ô tô, ngân hàng -tài chính, chuyển đổi xanh của Thụy Điển, cũng như khu vực Bắc Âu. Văn phòng nằm ở vị trí đắc địa giúp FPT tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp lớn của thế giới trong các lĩnh vực như ô tô, năng lượng và sản xuất; đồng thời cho phép FPT tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ và tư vấn cho các tập đoàn lớn tại khu vực Bắc Âu và toàn châu Âu.
Mảng Dịch vụ CNTT trong nước ghi nhận doanh thu đạt 4.591 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 10,6%, thúc đẩy bởi nhu cầu đầu tư cho công nghệ từ khối ngân hàng và tài chính.
Mảng Dịch vụ viễn thông duy trì mức tăng trưởng tốt với doanh thu đạt 11.228 tỷ đồng trong 8 tháng, tăng gần 9% và LNTT đạt 2.378 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Trong mảng giáo dục, đầu tư và khác , doanh thu tăng trưởng 28% lên 3.911tỷ đồng trong 8tháng đầu năm 2024, LNTT ghi nhận 1.330 tỷ đồng.