Doanh nhân Việt vươn mình cùng dân tộc
TP - Các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh, cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Kiến tạo, đồng hành và chia sẻ
Qua gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Các doanh nhân Việt Nam ngày càng cùng đồng hành với dân tộc, có đạo đức, văn hóa kinh doanh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
“Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế -xã hội đất nước, ngày 21/9
Tuy vậy, quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn khá non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh.
Vậy nên làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu là những điều được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Chính phủ đã có chương trình hành động thể hiện vai trò kiến tạo, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân, lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân đầu tư, kinh doanh.
Tại “Hội nghị Diên Hồng” giữa Thường trực Chính phủ đối với các doanh nghiệp tư nhân lớn mới đây (ngày 21/9/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển”; “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế”.
Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa – một điểm tựa của đất nước, để “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển”, đóng góp cho đất nước.
Vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu
Đại hội XIV được xác định là khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là thời điểm tổng kết 40 năm công cuộc đổi mới. Dẫn lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Dân tộc ta đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng, chưa bao giờ có được tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín như ngày nay”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế ở cả góc độ tăng trưởng, việc làm, ngân sách, xuất khẩu, thuế hay tạo ra giá trị gia tăng.
“Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc gắn liền với các thương hiệu lớn của quốc gia như Samsung, Huyndai hay SK. Khi nhắc đến thương hiệu Honda, Toyota, chúng ta nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản”, ông Dũng nêu ví dụ.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu đem lại doanh thu lợi nhuận, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh, tuần hoàn, bền vững như: xe điện, công nghiệp bán dẫn , trí tuệ nhân tạo AI, nông nghiệp chất lượng cao và phát thải thấp…. Các doanh nghiệp cũng cần tham gia vào các dự án lớn của đất nước như: đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, đường cao tốc Viên Chăn - Hà Nội, đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi…
Cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tại Hội nghị giữa Thường trực Chính phủ đối với các doanh nghiệp tư nhân lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp phát huy “6 tiên phong”. Trước hết tiên phong thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới, ứng phó biến đổi khí hậu; Tiên phong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia; Tiên phong tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp tiên phong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh; Tiên phong góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản trị thông minh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cuối cùng, Thủ tướng lưu ý, doanh nghiệp cần tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.
Từ nay đến năm 2030 phấn đấu
* Có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
* Có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD.
* Có ít nhất 10 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ.
(Theo Nghị quyết 66 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41)