Đặc sản An Giang tên tưởng sai chính tả, khách ăn bằng tay không mới ngon
Từ nguyên liệu quen thuộc là thịt gà, qua quá trình tẩm ướp và chế biến kỳ công, người dân ở vùng Tri Tôn, An Giang đã tạo nên món đặc sản ngon nức tiếng.
Gà đốt lá chúc (gà đốt Ô Thum) là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia, du nhập vào An Giang từ lâu và dần trở thành đặc sản vang danh khắp chốn.
Tới vùng đất này, du khách có thể tìm và thưởng thức gà đốt lá chúc ở nhiều nơi nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là ở hồ Ô Thum, huyện Tri Tôn.
Gà đốt lá chúc lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 – 2021)
Theo người dân địa phương, để làm gà đốt ngon, người ta thường chọn gà đồi, trọng lượng khoảng 1,3 - 1,8 kg/con. Loại gà này được nuôi thả tự nhiên, chạy nhảy thường xuyên nên thịt ngọt và chắc.
Đặc biệt, gà không được làm sẵn mà đợi khi có khách đặt món, đầu bếp mới thịt tại chỗ, tẩm ướp gia vị vừa ăn để giữ thịt gà luôn tươi, khi đốt vẫn có độ mọng và ngọt nước.
Ngoài các gia vị quen thuộc như muối, sả, tỏi, ớt, người ta còn ướp thịt gà với một nguyên liệu đặc trưng của An Giang. Đó là lá chúc. Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định mùi vị thơm ngon của món ăn.
Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Ngọc – chủ một quán ăn địa phương ở Tri Tôn cho biết, cây chúc là một giống cây nổi tiếng ở vùng đất Bảy Núi. Quả chúc khá giống quả chanh nhưng vỏ sần sùi, vị chua hơn và có mùi thơm.
Không chỉ quả mà lá chúc cũng được người bản địa sử dụng như một loại gia vị đặc biệt để sáng tạo nên các món ngon trứ danh nơi đây.
Gà trước khi đốt thường được quét một lớp dầu hoặc mật lên da để món ăn không bị khô, khi chín sẽ lên màu đẹp mắt và có mùi thơm hấp dẫn. Ảnh: Lang thang An Giang
Theo anh Ngọc, gà sau khi làm thịt và sơ chế sạch sẽ được tẩm ướp với sả, ớt, lá chúc, tỏi, đường, muối rồi chờ khoảng 15 - 20 phút cho gà thấm đều gia vị thì đem đốt.
Gà có thể được đốt trong lò điện, nồi nhôm nhưng phương pháp đốt bằng nồi đất truyền thống vẫn được ưa chuộng hơn, vì giúp món ăn có mùi vị nguyên bản và dân dã nhất.
Sau khi chuẩn bị xong bếp đốt, người ta sẽ lót một lớp sả, lá chúc và muối thật dày ở dưới đáy nồi rồi đặt gà đã quét chút dầu (hoặc mật ong) ở mặt da lên trên và tiến hành đốt lửa.
Quá trình làm món gà đốt cần lưu ý canh lửa sao cho khéo, giữ lửa thật to lúc đầu rồi giảm từ từ cho lửa nhỏ dần để đảm bảo thịt gà chín đều, không bị cháy.
Tuy làm từ nguyên liệu quen thuộc nhưng món gà đốt lá chúc đòi hỏi quá trình chế biến khéo léo để có hương vị thơm ngon. Ảnh: My Trần
Gà đốt lá chúc chừng 40 phút là chín, khi nhấc ra khỏi nồi sẽ thấy dậy mùi thơm.
“Tùy từng nơi, từng người lại có bí quyết riêng để món ăn thêm hấp dẫn. Ví dụ, sau khi đốt xong, người ta lại lót tiếp một lớp sả, lá chúc rồi cho dầu và đốt thêm 5 - 10 phút để thịt gà có lớp da vàng, giòn rụm hơn.
Tuy nhiên, cách làm này dễ khiến thịt gà ngấm mỡ hơn so với nướng thông thường và thực khách khi ăn có thể thấy ngấy”, anh Ngọc nói thêm.
Khi bày lên mâm, món gà đốt khiến thực khách bị mê hoặc bởi lớp da giòn rụm, màu ngả nâu như mật ong, tỏa ra mùi thơm đặc trưng của lá chúc. Dù món ăn có thời gian chế biến khá lâu nhưng hương vị thơm ngon đủ bù đắp lại công chờ đợi của thực khách.
Gà đốt lá chúc ngon nhất khi ăn nóng, kèm với rau sống, dưa leo và có thể chấm cùng một số loại nước chấm khác nhau như nước mắm nhà làm, muối tiêu chanh, muối ớt chanh. Trong đó, nước chấm lá chúc được yêu thích hơn, vị lạ miệng và thơm khó tả.
Để trải nghiệm món gà đốt trọn vị theo cách dân dã, thực khách thường dùng tay không, ăn đến đâu xé đến đấy hoặc lấy kéo cắt thay vì chặt sẵn bằng dao. Thịt gà đốt mềm mọng, chắc nhưng không khô, người già hay trẻ em đều có thể thưởng thức.
Vì gà đốt lá chúc có trọng lượng vừa phải, chỉ đủ hai người ăn nên nếu muốn no bụng hơn, thực khách có thể gọi thêm cơm chiên hoặc cơm trắng.
Mỗi suất ăn có giá khoảng 300.000 - 350.000 đồng/2 người, gồm cả gỏi rau ăn kèm và nước uống.
Theo Vietnamnet