Viên uống Mộc Mao bị Cục An toàn thực phẩm 'tuýt còi' vẫn bất chấp quảng cáo sai phạm tràn lan

14/10/2024 09:51

GĐXH – Là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), nhưng viên uống Mộc Mao đang được quảng cáo tràn lan trên các website và trang mạng xã hội như ‘thần dược’ dành cho người bị rụng tóc, bạc tóc.

Viên uống Mộc Mao quảng cáo như tiên dược "Chỉ 1 lộ trình dứt điểm hoàn toàn"

Theo tìm hiểu của PV, TPBVSK Mộc Mao do Công ty TNHH Thương mại TuBi (địa chỉ tầng 6, toà nhà Zen Tower, số 12 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Sản phẩm này được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 555/2021/XNQC-ATTP ngày 5/3/2021 với công dụng: "Giúp bổ huyết, hỗ trợ làm đen tóc, hỗ trợ nuôi dưỡng tóc chắc khỏe, giảm nguy cơ tóc bạc sớm, gãy rụng tóc".

Viên uống Mộc Mao bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo nhưng vẫn bất chấp quảng cáo sai phạm tràn lan- Ảnh 1.
Viên uống Mộc Mao được quảng cá tràn lan trên các website và mạng xã hội với công dụng 'thần thánh'.

Tuy nhiên, trên một số website như: https://www.mocmaothaoduoctot.online/mocmao; https://shopee.vn/list/m%E1%BB%99c%20mao; https://sieuthisongkhoe.com/san-pham/moc-mao/;... hay trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, YouTube sản phẩm này lại được "thổi phồng" thêm hàng loạt công dụng chưa được kiểm chứng và cấp phép như: "Thuốc mọc tóc hàng đầu Việt Nam", "Chỉ 1 lộ trình dứt điểm hoàn toàn", " Hiệu quả chỉ sau 14 ngày", " Chỉ 2 xịt/ngày hói lâu năm hay mãn tính cũng phải có tóc mọc"; "Viên nang uống Mộc Mao bổ thận, cải thiện sức khỏe", "hiệu quả vượt trội với thảo dược Mộc Mao"…

Để chiếm thêm lòng tin của khách hàng, bên cạnh việc "bổ sung" thêm hàng hoạt các công dụng chưa được cấp phép, những trang web kể trên còn đăng tải đánh giá, cảm nhận của khách hàng về bộ sản phẩm Mộc Mao. Đa phần những lời chia sẻ này đều có mô tuýp, sau khi sử dụng sản phẩm, tóc hết rụng, hết hói, chắc khỏe, mọc đen trở lại…

Viên uống Mộc Mao bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo nhưng vẫn bất chấp quảng cáo sai phạm tràn lan- Ảnh 2.
Theo quảng cáo, người bị hói và bạc tóc sau khi sử dụng sản phẩm Mộc Mao đều thu lại kết quả bất ngờ sau 2 tuần sử dụng.

Cụ thể trong một vài chia sẻ của khách hàng có nội dung như sau: "Dùng nhiều sản phẩm mà không hiệu quả, nhưng từ khi dùng Mộc Mao thì hiệu quả ngay. Tôi hết bạc tóc từng ngày, tóc con mọc lên không khác gì nấm mọc sau mưa, lên chân đen nhánh chi chít, sợi nào sợi nấy khỏe, đen nhánh và bóng mượt hẳn,…". Hay một vị khách hàng khác nói rằng: "Rất may mắn được bạn bè giới thiệu cho bộ sản phẩm chăm sóc tóc Mộc Mao. Tôi thấy rất hay bởi vì bộ sản phẩm có cả viên uống Mộc Mao, viên sủi Mộc Mao, cả xịt dưỡng tóc và dầu gội, nó bổ sung từ bên trong đến bên ngoài. Tôi sử dụng bộ sản phẩm này thường xuyên, một thời gian thì thấy tóc của mình như được hồi sinh, tóc rất bóng, dày và mượt mà sợ tóc cực kì chắc và không còn giòn và dễ gãy như trước đây, sờ vào tóc lúc nào cũng cảm giác bồng bềnh, dễ chịu cực kì…".

Theo Cục An toàn thực phẩm, TPCN, TPBVSK không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì vậy, nếu có bất kỳ quảng cáo nào khẳng định chữa trị là hành vi gian dối. Các nội dung này không bao giờ được cơ quan quản lý cấp phép khi thẩm định hồ sơ.

Viên uống Mộc Mao bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo nhưng vẫn bất chấp quảng cáo sai phạm tràn lan- Ảnh 3.
Bộ sản phẩm Mộc Mao được tung hô là siêu phẩm dành cho người gặp các vấn đề về tóc.

Nghệ sĩ nổi tiếng "vô tình" hay đang tiếp tay quảng cáo sai phạm

Thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm liên tiếp đưa ra những thông báo cảnh báo tới người tiêu dùng, xử phạt nặng, thu hồi sản phẩm đối với những đơn vị quảng cáo sai chức năng, công dụng của thực phẩm chức năng. Thế nhưng, nhiều đơn vị vẫn bất chấp, tiếp tục quảng cáo sản phẩm sai phạm tràn lan trên các trang mạng xã hội hoặc một số website để bán hàng. Điều đáng nói, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng "vô tình" tiếp tay cho những thông tin quảng cáo vi phạm này.

Tiếp tục thu hút sự tin cậy từ khách hàng, tạo thêm uy tín cho sản phẩm, trên những website, trang mạng xã hội bán TPBVSK Mộc Mao còn sử dụng tràn lan hình ảnh của các nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo, thổi phồng công dụng của sản phẩm.

Viên uống Mộc Mao bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo nhưng vẫn bất chấp quảng cáo sai phạm tràn lan- Ảnh 4.
Bộ sản phẩm Mộc Mao sử dụng hình ảnh người nổi tiếng quảng cáo tràn lan trên các website và mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, trong một số video được đăng tải trên các trang web và mạng xã hội có sự xuất hiện của NSND Chí Trung chia sẻ về việc sử dụng TPBVSK Mộc Mao với công dụng tuyệt vời như: "Những ai đang gặp vấn đề về mái tóc khô, xơ, gãy rụng hay tóc bạc sớm, cần một giải pháp toàn diện thì chọn ngay bộ sản phẩm Mộc Mao, đảm bảo hiệu quả bất ngờ…". Hay trong một video chia sẻ khác của nghệ sĩ Thu Hà cũng được đăng tải với nội dung: "Đã có thời gian Hà gần như stress về tóc vì tóc bị rụng rất nhiều, chân tóc yếu, ngọn tóc thì chẻ, chỉ cần vuốt nhẹ là tóc vương ra đầy lòng bàn tay. Tóc rụng nhiều nhất ở phần đỉnh đầu, để lộ cả mảng da đầu, hồi đó có cả tóc bạc… tóc xấu nên Hà buồn, mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên đến thời điểm này thì mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, sau hơn 1 năm sử dụng bộ chăm sóc tóc Mộc Mao thì tóc Hà đen nhánh, không còn khô sơ, gãy rụng, đặc biệt là tóc đã đen trở lại,… Trước khi biết đến Mộc Mao, Hà đã sử dụng rất nhiều sản phẩm chăm sóc tóc nhưng Mộc Mao vẫn là sự lựa chọn số 1 vì có rất nhiều ưu điểm vượt trội…".

Viên uống Mộc Mao bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo nhưng vẫn bất chấp quảng cáo sai phạm tràn lan- Ảnh 5.
Hàng loạt công dụng chưa được kiểm chứng được xuất hiện tràn lan.

Theo Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP, quảng cáo TPCN, TPBVSK khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật, hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế,  thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để để quảng cáo gây hiểu nhầm cho người sử dụng. Quảng cáo không có nội dung khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc... là những hành vi vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Liên quan đến vấn đề hình ảnh các nghệ sĩ quảng cáo, "thổi phồng’ công dụng của TPCN, TPBVSK gây bức xúc trong dư luận. Tại Văn bản số 3220/BYT-ATTP, Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo TPCN, TPBVSK thuộc phạm vi quản lý. Trong đó đề nghị chấn chỉnh tình trạng các văn nghệ sĩ, diễn viên, người của công chúng tiếp tay cho hoạt động quảng cáo TPCN, TPBVSK vi phạm.

Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Nghệ sĩ quảng cáo gian dối sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, cá nhân thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền 50-70 triệu đồng.

Viên uống Mộc Mao bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo nhưng vẫn bất chấp quảng cáo sai phạm tràn lan - Ảnh 6.
Dù chỉ là TPBVSK nhưng viên uống Mộc Mao được quảng cáo là thuốc điều trị.

Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm về quảng cáo TPCN, TPBVSK rất phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt là vi phạm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube, Google và các sàn thương mại điện tử, trang thông tin điện tử có tên miền nước ngoài). Lợi dụng sơ hở, nhiều kẻ đã bất chấp bán các sản phẩm kém chất lượng nhưng lại lừa dối người tiêu dùng bằng những "mánh khóe" quảng cáo, "thần thánh" hóa công dụng của chúng.

Mặc dù, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp công bố sản phẩm trên mạng xã hội, trên các trang web không đúng sự thật. Tuy nhiên, cần có sự vào cuộc kiểm tra, xử lý mạnh tay hơn nữa từ cơ quan chức năng để chấm dứt tình trạng nêu trên.

Dùng TPCN tóc bạc có thể 'biến' thành đen?

Liên quan đến việc một số sản phẩm TPCN, TPBVSK đang quảng cáo trên thị trường về việc có thể khắc phục được tình trạng rụng tóc, hói đầu, tóc bạc thành đen. Theo chia sẻ của Bác sĩ Thục Anh, Bệnh viện Da liễu Trương ương, nguyên nhân dẫn đến rụng tóc, hói bởi 2 yếu tố: nội tiết và di truyền.

Yếu tố nội tiết: Tăng tiết androgen làm ảnh hưởng đến chu kì sợi tóc. Testosterone tác động trên 2 mặt của nang lông (trên các tế bào hành tóc và trên các tế bào tuyến tiết bã).

Yếu tố di truyền: Tăng hoạt động của men 5 alpha-reductase - sản xuất hormone Dihydrotestosterone (DHT) quá mức (việc thiếu hoặc thừa hormone DHT có thể gây ra các rối loạn trong cơ thể, biểu hiện điển hình là hiện tượng hói đầu). Tăng mức độ nhạy cảm của nang tóc với DHT.

Về nguyên nhân dẫn tới bạc tóc sớm vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, chủ yếu giải thích dựa trên các yếu tố về gen và gốc oxy hoá tự do. Từ đó làm giảm lượng tế bào melanocyte hoạt động ở nang tóc và rối loạn quá trinh vân chuyển melanosom có thể gây ra mất dần sắc tố qua vài chu kì tóc hoặc chỉ cần 1 chu kì tóc.

Hiện nay, trên thế giới đã có thuốc điều trị rụng tóc, hói như 5 alpha reductase. Tuy nhiên, loại thuốc này có tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến khả năng tình dục. Còn đối với thuốc xịt minoxidil thì tác dụng phụ là châm chích, viêm da tiếp xúc,…

Về thuốc điều trị tóc bạc sớm, theo các nghiên cứu vẫn chưa có thuốc nào chứng minh có hiệu quả rõ ràng và được khuyến cáo dùng cho tóc bạc sớm.

Một số hoạt chất như: Hà thủ ô, bồ kết,… trong một vài nghiên cứu cho thấy có hiệu quả làm giảm và chậm quá trình bạc tóc chứ không thể đảo ngược tình trạng tóc bạc trở về màu đen.

Liên quan đến TPBVSK Mộc Mao, cách đây không lâu Cục An toàn thực phẩm đã phát đi cảnh báo về việc phát hiện hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Mộc Mao với nội dung vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian vừa qua, trên website https://sieuthisongkhoe.com/san-pham/moc-mao/?gclid=CjwKCAjwhNWZBhB_EiwAPzlhNmuip4Nwgs9z-scgeEU_KOolL7lSfvY6JJGY3uM5pwqpYORSY1pG1hoCaCsQAvD_BwE đăng sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Mao vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mộc Mao được giới thiệu với các công dụng:

"Hỗ trợ bổ sung chất cải thiện chất lượng nguồn máu, kích thích sự tuần hoàn máu lên tế bào nang tóc. Từ đó, các mạch máu liên tục "bơm" dưỡng chất cấu tạo nang tóc khoẻ mạnh, phát triển tốt, tóc mọc lên nhiều hơn; Hỗ trợ cung cấp các thành phần nuôi dưỡng lớp giữa tóc, tạo một "lá chắn vô hình" bảo vệ lớp biểu bì bên ngoài. Từ đó, từng sợi tóc đâm chồi chắc khoẻ, trụ vững trên da đầu, ngừa gãy rụng, khô ráp, xơ rối,.. do tia UV hay khói bụi tác động;

Hỗ trợ cải thiện chức năng của albumin, phá vỡ liên kết hydrogen peroxide tích tụ trong tóc. Từ đó, nang tóc tổng hợp nhiều hơn sắc tố melanin, mái tóc mọc ra luôn đen nhánh, đậm màu hơn; Hỗ trợ thúc đẩy lưu thông máu dưới da đầu, điều hoà tuyến nội tiết và xoa dịu não bộ giúp điều chỉnh nồng độ hormone DHT – tác nhân gây rụng tóc. Nhờ đó, mái tóc giảm tình trạng mọc lưa thưa và nang tóc phủ đều da đầu, mọc lên đều hơn, đen dày hơn; Hỗ trợ bổ sung chất cân bằng độ pH da đầu, điều chỉnh tuyến bã nhờn tiết dầu, giữ cho da đầu thông thoáng và sạch sẽ. Qua đó, sợi tóc có môi trường thuận lợi phát triển dài ra, chắc khoẻ và mượt mà".

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Trước đó vào tháng 3/2022, TPBVSK Mộc Mao, Viên sủi Mộc Mao bị cảnh báo do vi phạm quy định về quảng cáo.

Tháng 5/2022, Công ty TNHH Thương mại TUBI bị cơ quan chức năng xử phạt 50 triệu đồng do vi phạm quảng cáo với các sản phẩm TPBVSK: Đại cốt đan; Mộc mao; Viên sủi Mộc Mao (Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 1573/2021/ĐKSP ngày 18/02/2021; số 1572/2021/ĐKSP ngày 18/2/2021 và số 1640/2021/ĐKSP ngày 23/2/2021).