Dịch vụ ăn uống do nhà trường thu hộ có chịu thuế GTGT không?

14/10/2024 11:34

Đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ ăn uống cho học sinh các trường học và nhờ nhà trường thu hộ thì dịch vụ này có phải chịu thuế GTGT hay không?

1. Dịch vụ ăn uống do nhà trường thu hộ có chịu thuế GTGT không?

Căn cứ khoản 13 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC), trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế.

Như vậy, đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ ăn uống cho học sinh các trường học và nhờ nhà trường thu hộ thì dịch vụ này không phải chịu thuế GTGT.

>>Xem tổng hợp các công việc pháp lý về thuế GTGT TẠI ĐÂY.

File Excel tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công và tiền thưởng 2024
File Excel tính số tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2024
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024]
File word Luật Quản lý thuế và văn bản hướng dẫn đang còn hiệu lực năm 2024

thuế GTGT

Dịch vụ ăn uống do nhà trường thu hộ không chịu thuế GTGT (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

2. Trường hợp nào không phải kê khai, nộp thuế GTGT?

Căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị định 209/2013/NĐ-CP,  các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng bao gồm:

(i) Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

(ii) Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.

(iii) Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán tài sản.

(iv) Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã.

(v) Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật số 106/2016/QH13).

Theo đó, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

3. Thời điểm xác định thuế GTGT là khi nào?

Căn cứ Điều 5 Nghị định 209/2013/NĐ-CP, thời điểm xác định thuế GTGT là:

- Đối với hàng hóa: Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Đối với dịch vụ: Thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Thời điểm xác định thuế GTGT được hướng dẫn bởi Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Điều 11. Nơi nộp thuế - Nghị định 209/2013/NĐ-CP

1. Người nộp thuế kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi sản xuất, kinh doanh.

2. Người nộp thuế kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì phải nộp thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất và địa phương nơi đóng trụ sở chính.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quy định tại Điều này.