Điều kiện miễn, giảm tiền phạt vi phạm phòng chống dịch
Người dân tự ý về quê nhưng bị xử phạt vi phạm có thể làm đơn xin giảm hoặc miễn nộp phạt. Đơn phải có xác nhận của UBND cấp xã hoặc của cơ quan, tổ chức.
Mới đây, trong đoàn người tự ý đi xe máy về quê, cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đã xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 117/2020 trong lĩnh vực y tế đối với 11 trường hợp (cảnh cáo) và 84 trường hợp (phạt tiền). Hầu hết người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người không có khả năng nộp phạt.
Vậy, người vi phạm có hoàn cảnh khó khăn có được miễn, giảm tiền nộp phạt?
Trả lời
Thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định chi tiết các điều kiện hoãn thi hành quyết định hoặc giảm, miễn tiền phạt đối với một số trường hợp.
Cụ thể, Điều 77 của luật trên nêu quyết định phạt tiền có thể được hoãn thi hành trong trường hợp cá nhân bị phạt từ 3 triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh...
Trong 5 ngày từ khi nhận đơn, người ra quyết định xử phạt xem xét quyết định hoãn xử phạt. Cá nhân được hoãn sẽ nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện bị tạm giữ. Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 3 tháng.
Điều kiện giảm một phần tiền phạt: Cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh,...; tổ chức gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế. Những trường hợp này đều cần có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức.
Điều kiện miễn một phần tiền phạt: Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định nhưng tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế; đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ 2 nhưng gặp khó khăn. Trường hợp gặp khó khăn do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trở lên.
Trong 3 ngày từ khi nhận đơn, người ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong 5 ngày từ khi nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải giải quyết thủ tục.
Điều kiện miễn toàn bộ tiền phạt: Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền mà tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế; bị phạt tiền từ 2 triệu đồng trở lên nhưng đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế.
Đối với tất cả trường hợp trên, cá nhân cần làm đơn đề nghị hoãn chấp hành, giảm hoặc miễn nộp phạt và phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc về hoàn cảnh khó khăn.
Theo Tri thức trực tuyến
Nguồn: https://zingnews.vn/dieu-kien-mien-giam-tien-phat-vi-pham-phong-chong-dich-post1269971.html