Mở lại đường bay nội địa, hành khách cần làm gì để an toàn trong mùa dịch COVID-19?
PLBĐ - Hiện Hà Nội và một số địa phương đã bắt đầu mở lại các chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Vậy hành khách muốn tham gia chuyến bay cần những điều kiện gì và làm thế nào để đảm bảo an toàn trong mùa dịch COVID-19?
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã mở lại đường bay nội địa, thực hiện giai đoạn đầu từ ngày mùng 10 đến 20/10/2021 với các quy định: Hành khách đi máy bay phải có điều kiện tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên sổ sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).
Hành khách cũng phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72h trước khi lên máy bay; khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu ban hành kèm theo quy định của Bộ GTVT. Hành khách không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…
Bên cạnh đó, nhiều người dân có nhu cầu đi máy bay còn lúng túng trong cách phòng bệnh khi tình hình dịch COVID-19 vẫn có diễn biến phức tạp. Về vấn đề này, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, môi trường trên máy bay là không gian kín, ngồi gần nhau, nên nếu không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân thì nguy cơ lây nhiễm cao. Thực tế, tại nước ta cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp bị lây COVID-19 trên máy bay.
Theo TS Phu về nguyên tắc, hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang nhưng sẽ có những lúc họ không đeo, vì thế khi ngồi gần ca bệnh chỉ cần họ ho, nói chuyện, hắt hơi là có thể làm phát tán mầm bệnh. Đối tượng được xem là tiếp xúc gần với người bệnh, trên máy bay hoặc các phương tiện khác là người ngồi trong phạm vi 2 hàng ghế kế cận. Ngoài ra, mầm bệnh có thể có ở trên bề mặt như tay vịn ghế, nắm cửa nhà vệ sinh…, nếu một người chạm tay vào sau đó đưa lên, mắt, mũi, miệng thì có thể lây nhiễm virus.
"Cũng vì thế, rủi ro lây nhiễm trên máy bay không chỉ nằm trong giới hạn 2 hàng ghế kế cận, bởi các hành khách không chỉ ngồi yên một chỗ trong suốt chuyến bay. Họ còn có thể di chuyển, đi vào nhà vệ sinh, lấy hành lý ở khoang phía trên đầu… Đối với chủng Delta , virus có thể lơ lửng lâu hơn trong môi trường máy bay nên nguy cơ có thể cao hơn", TS Phu phân tích.
Vì thế, để phòng chống dịch COVID-19 khi đi trên máy bay, ngoài các biện pháp do chính hãng hàng không áp dụng về vệ sinh, khử khuẩn…, thì chuyên gia khuyến cáo bản thân mỗi hành khách cũng cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, quan trọng nhất ở đây là khẩu trang và khử khuẩn.
Cụ thể, khi di chuyển bằng máy bay hành khách cần lưu ý tuân thủ 5K, trong đó chú trọng khai báo y tế. Nếu chẳng may phát hiện một trường hợp F0 thì có thể truy vết được ngay, không để lan rộng trong một tỉnh hay lan sang địa phương khác. Khi rời khỏi máy bay xuống sân bay, cần thay khẩu trang khác, sát khuẩn tay và lên một phương tiện đi lại khác cũng cần thực hiện nghiêm ngặt 5K.
Ngoài ra, TS Phu cho biết việc mặc nguyên cả bộ quần áo bảo hộ y tế kín mít khi di chuyển trên máy bay là không cần thiết. Điều quan trọng nhất là đeo khẩu trang và sát khuẩn. Cụ thể, hành khách cần lưu ý đeo khẩu trang đúng quy chuẩn, khi xuống sân bay thay ngay khẩu trang, sát khuẩn tay ngay. Sau đó khi về đến nhà hay nơi lưu trú cách ly cần tắm rửa, thay quần áo ngay rồi mới tiếp xúc với người thân trong gia đình. "Tuyệt đối không nên ôm ấp con cái ngay, không nên tay bắt mặt mừng ngay", Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Như vậy, đi máy bay là hoạt động tương đối ít rủi ro lây nhiễm COVID-19 nếu hãng hàng không tuân thủ quy trình an toàn: Bắt buộc đeo khẩu trang, chỉ ngồi 50% số ghế, sàng lọc khách nghi mắc/có triệu chứng trước khi lên máy bay. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo chúng ta chỉ nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng nói chung và máy bay nói riêng khi thực sự cần thiết.
T.H (th)