Tổ chức tài chính vi mô được thực hiện những hoạt động ngân hàng nào ?

Bùi Khánh Ly 14/10/2024 16:45

Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ ngân hàng. Hoạt động ngân hàng của tổ chức tài chính vi mô là gì?

1. Hoạt động ngân hàng của tổ chức tài chính vi mô là gì ?

Nội dung hoạt động ngân hàng của tổ chức tài chính vi mô được quy định khái quát tại Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và đã được hướng dẫn chi tiết tại Điều 24 Thông tư 33/2024/TT-NHNN.

Theo đó, tổ chức tài chính vi mô được phép thực hiện 02 hoạt động ngân hàng, bao gồm: Nhận tiền gửi và cho vay (một hình thức cấp tín dụng). Cụ thể:

- Nhận tiền gửi

Tổ chức tài chính vi mô có thể nhận tiền gửi theo 02 hình thức sau:

  • Tiết kiệm bắt buộc.

  • Tiền gửi của tổ chức và cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi nhằm mục đích thanh toán.

- Cho vay: Tổ chức tài chính vi mô được phép cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ vay vốn, tuy nhiên cần đảm bảo tuân thủ các điều kiện mà pháp luật quy định.

* Lưu ý: 

Tổ chức tài chính vi mô được cho khách hàng của mình vay để sử dụng vào các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện điều kiện sống. Tổ chức tài chính vi mô không được cho vay khách hàng để mua, đầu tư chứng khoán. 

Ngoài ra, tổ chức cần phải đảm bảo duy trì các điều kiện về số tổng dư nợ các khoản cho vay đối với từng đối tượng trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay tối đa.

Ngoài các hoạt động ngân hàng kể trên, pháp luật quy định tổ chức tài chính vi mô còn có quyền đối với một số hoạt động khác như sau:

  • Vay vốn từ nước ngoài và  tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

  • Được gửi tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

  • Có quyền mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, tổ chức này không được phép mở tài khoản thanh toán cho khách hàng của mình.

  • Các hoạt động theo Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024, gồm: 

  • Ủy thác vốn, nhận vốn ủy thác cho vay của tổ chức, cá nhân;

  • Đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho ngân hàng đối với khách hàng của tổ chức tài chính vi mô đó;

  • Cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ và chuyển tiền cho khách hàng của tổ chức tài chính vi mô;
  • ​Tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong Giấy phép.

​2. Quy định nội bộ có nội dung về cho vay

k
Quy định nội bộ có nội dung về cho vay như thế nào? (ảnh minh hoạt)

Tổ chức tài chính vi mô có trách nhiệm xây dựng quy chế nội bộ về hoạt động cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo, cá nhân có thu nhập thấp, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Nội dung quy định định nội bộ về cho vay bao gồm các mục sau:

  • Tiêu chí xác định khách hàng là lao động tự do: Tổ chức tài chính vi mô cần tham khảo các quy định liên quan đến cá nhân sống tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn, thu nhập thường xuyên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình, thu nhập bình quân đầu người theo vùng/khu vực, và mức lương tối thiểu theo vùng, do cơ quan nhà nước công bố, cùng các tiêu chí liên quan để xác định khách hàng là người lao động tự do theo điểm b(iii), khoản 4, Điều 3 của Thông tư số 33/2024/TT-NHNN.

  • Quy định về tổ vay vốn: Quy chế này phải bao gồm ít nhất các nội dung sau: Mục đích thành lập tổ vay vốn; số lượng thành viên của tổ vay vốn, chế độ hoạt động của tổ vay vốn, sinh hoạt định kỳ, quy trình bình xét, lựa chọn tổ viên để giải ngân vốn vay,...

  • Quy trình xét duyệt và giải ngân vốn vay cho khách hàng.
  • ​Quy trình kiểm soát, quản lý, và giám sát nhằm đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết.

3. Địa bàn hoạt động của tổ chức tài chính vi mô

Trước khi đi vào hoạt động, tổ chức tài chính vi mô phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép thành lập và thực hiện thông báo thông tin cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức vi mô đặt trụ sở chính về các điều kiện khai trương hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và ngày dự kiến khai trương hoạt động.

Theo đó, căn cứ Điều 26 Thông tư số 33/2024/TT-NHNN quy định, tổ chức tài chính vi mô chỉ được hoạt động trong địa bàn đã đăng ký và được phê duyệt trong Giấy phép.

Tuy nhiên, tổ chức tài chính vi mô được thực hiện mở rộng mạng lưới hoạt động ra ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Lưu ý: Thời hạn hoạt động của tổ chức tài chính vi mô được ghi trong Giấy phép tối đa không quá 50 năm.

Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi Tổ chức tài chính vi mô được thực hiện những hoạt động ngân hàng nào.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.

Bùi Khánh Ly