"Sóng thần" thị trường hiếm có, sau Trung Quốc, ‘cá mập’ Mỹ đổ tiền vào đâu?
Con "sóng thần" tăng giá thập kỷ mới có một lần trên thị trường chứng khoán Trung Quốc thu hút hàng loạt “cá mập” phố Wall, nhưng vẫn còn đó những nghi ngờ. Dòng tiền từ các tập đoàn lớn của Mỹ rồi sẽ đi đâu?
"Sóng thần" chứng khoán Trung Quốc
Sáng 8/10, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc tăng bùng nổ sau kỳ nghỉ lễ quốc khánh nước này (từ 1-7/10). Chỉ số CSI 300 ngày mở cửa bất ngờ tăng hơn 10%, dù trước đó đã tăng rất mạnh.
Dữ liệu tích cực về doanh số bán nhà và tiêu dùng đã tiếp thêm động lực mới cho đà tăng trên TTCK. Kênh đầu tư này đã có chuỗi cả chục phiên bứt phá, sau gói kích thích kinh tế chưa từng có của Bắc Kinh.
Tổng cộng, thị trường cổ phiếu Trung Quốc tăng khoảng 30% trong một thời gian rất ngắn. Đây là cú tăng mạnh nhất kể từ năm 2015. Trước đó, chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm hơn 45% giá trị, từ mức đỉnh năm 2021 đến giữa tháng 9/2024.
Trái ngược với Trung Quốc, các thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khá mạnh trong phiên 7/10 (rạng sáng 8/10 giờ Việt Nam). Chỉ số công nghiệp Dow Jones hôm 7/10 giảm gần 400 điểm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu đảo chiều tăng giá từ cuối tháng 9 sau khi Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp hỗ trợ, bao gồm cắt giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng và hỗ trợ thanh khoản cho cổ phiếu. Sau đó, chính quyền địa phương nhiều thành phố cấp 1 cũng có các gói giải pháp vực dậy thị trường bất động sản.
Những động thái chính sách, cả tiền tệ và tài khóa, ngay lập tức thu hút sự chú ý của các “cá mập” trên thị trường phố Wall. Ông lớn Goldman Sachs, HSBC và BlackRock đã nâng khuyến nghị với TTCK từng bị đánh giá rất thấp này.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá ảm đạm. Ảnh: HH
Trung Quốc sẽ có cuộc họp báo vào sáng 9/10 để thông báo chi tiết hơn về gói chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây được xem là yếu tố quyết định cho sự bền vững của đợt tăng trên TTCK nước này.
Những quỹ lớn như BlackRock, Man Group, Appaloosa Management... cũng nhanh chóng tham gia TTCK Trung Quốc. Trên CNBC đại diện Appaloosa Management thậm chí còn tuyên bố đang "mua mọi thứ liên quan đến Trung Quốc".
Cú tăng mạnh trên TTCK Trung Quốc là rất ấn tượng. Đà tăng cũng được dự báo sẽ tiếp tục do cổ phiếu trước đó chiết khấu sâu so với các thị trường phát triển. Sự hưng phấn được thể hiện ở chỗ, giá trị giao dịch trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến tăng vọt.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức cho rằng đà tăng có thể chỉ ngắn hạn. BlackRock cho biết họ vẫn sẵn sàng để xoay trục và thận trọng trong dài hạn do “những thách thức về mặt cơ cấu của Trung Quốc".
Bên cạnh đó, còn những lo ngại về thương mại và địa chính trị. Căng thẳng Mỹ-Trung và một số vấn đề địa chính trị trong khu vực là những đám mây đen có thể trở thành cơn gió ngược bất cứ lúc nào. Một số chuyên gia vẫn tránh xa cổ phiếu Trung Quốc bất kể các chính sách kinh tế mới có hấp dẫn đến đâu.
Hơn thế, một số người lo ngại TTCK Trung Quốc có thể lặp lại kịch bản “thập kỷ mất mát” giống Nhật trong những năm 1990. Chứng khoán Nhật cần tới hai thập kỷ để trở lại một đợt tăng trưởng dài hạn sau khi bong bóng kinh tế nổ tung cách đây 30 năm. Nguy cơ với Trung Quốc có thể còn lớn hơn bởi mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và phương Tây.
Dòng tiền thế giới sẽ về đâu?
Đang có những dấu hiệu cho thấy dòng tiền đổ vào TTCK Trung Quốc, trong khi rút bớt khỏi Mỹ. Tại Việt Nam, khối ngoại đã không còn bán ròng (vài tỷ USD từ đầu năm), thậm chí gần đây còn có nhiều phiên mua ròng khá mạnh, lên tới vài trăm tỷ đồng.
Dòng vốn ngoại của các quỹ đầu tư biến động rất nhanh, không còn phần lớn nắm giữ trung và dài hạn như trước kia. Đợt tăng mạnh và sự tham gia nhanh chóng của các quỹ phương Tây vào TTCK Trung Quốc trong vài tuần gần đây cho thấy điều đó.
Đà bứt phá của chứng khoán Trung Quốc còn nhiều hay không, theo nhiều chuyên gia, phụ thuộc vào các biện pháp hỗ trợ kinh tế tiếp theo của nước này. Tuy nhiên, một khi thị trường Trung Quốc yếu đi, dòng tiền sẽ dịch chuyển, không loại trừ một phần sẽ đổ vào Việt Nam dù quy mô thường sẽ rất nhỏ.
Trong tháng 9, khối ngoại đã mua ròng đáng kể nếu loại bỏ thương vụ thoái vốn trị giá gần 2.700 tỷ đồng tại VIB.
Trên thực tế, TTCK Việt Nam vẫn ở hạng cận biên và sức hấp dẫn chưa nhiều. Những khó khăn của các doanh nghiệp lớn cùng với ảnh hưởng của cơn bão Yagi tới kinh tế cũng như biến động khác vẫn khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng.
Theo Chứng khoán Mirae Asset, trong tháng 10, các yếu tố tác động tới TTCK gồm: kết quả kinh doanh quý III với kỳ vọng tăng trưởng cao nhờ nền cùng kỳ thấp; triển vọng nâng hạng TTCK và đánh giá của FTSE (nhiều khả năng vào tháng 9/2025); nhiều dự án luật được thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 khai mạc ngày 21/10, như: Luật Đầu tư công, Luật Thuế giá trị giá tăng sửa đổi...
Dòng vốn FDI tích cực, nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, một lượng tiền lớn dự kiến bơm ra qua hoạt động cho vay của ngân hàng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, xu hướng lãi suất cho vay thấp... cũng có thể tác động tích cực tới TTCK.
Tuy nhiên, trước mắt dòng tiền vào TTCK vẫn khá thấp. Thanh khoản vài phiên gần đây tụt giảm. Sáng 8/10, chỉ số VN-Index giảm nhẹ, mất 0,57 điểm xuống 1.269,36 điểm, với thanh khoản chỉ đạt chưa tới 7.500 tỷ đồng trên HoSE. Mốc 1.300 điểm vẫn là một ngưỡng khó vượt qua.
Trên thế giới, dòng tiền chưa có xu hướng rõ ràng khi vàng và chứng khoán Mỹ ở mức giá cao kỷ lục, trái phiếu các nước cũng sẽ giảm dần sự hấp dẫn khi lãi suất đi xuống. Dòng tiền vào TTCK Trung Quốc cũng chỉ một phần và được dự báo không kéo dài. Tiền gần đây đổ vào trú bão ở đồng USD, qua đó khiến đồng tiền này tăng giá trở lại và có thể dòng tiền cũng sẽ trở lại chứng khoán Mỹ khi lãi suất điều hành giảm và nền kinh tế Mỹ được dự báo có rất ít khả năng suy thoái, thay vào đó là một kịch bản hạ cánh mềm.
Với Việt Nam, nền kinh tế vẫn hút vốn FDI tăng trưởng đều đặn. Dòng vốn đầu tư gián tiếp FII được nhiều công ty chứng khoán dự báo sẽ tăng trở lại trong năm 2025 khi thị trường được nâng hạng.